Nằm ở vùng ngoài đê sông Hoàng Long, làng Kênh Gà ở xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) được ví như “ốc đảo” bởi bốn bề sông nước mênh mông. Từ bao đời nay, người dân ở đây đều phải sống chung với lũ. Năm nào cũng bị ngập, trung bình mỗi năm khoảng 3, 4 lần, nhẹ thì lên đến nền nhà, nặng thì ngập gần hết tầng một. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.
Sống chung với lũ
Kể từ ngày 8/9 đến nay, đã 13 ngày trôi qua, do nước lũ trên sông Hoàng Long rút chậm, hàng trăm hộ dân ở “ốc đảo” Kênh Gà tại xã Gia Thịnh vẫn phải sống trong cảnh ngập lụt.
Giữa mênh mông biển nước, để đến được với khu vực Kênh Gà, phóng viên Báo Công lý phải nhờ sự giúp đỡ của vợ chồng chị Trần Thị Thắm, ở thôn 2 Kênh Gà, dùng thuyền nhỏ để chở vào tận nơi.
Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ chòng chành trên sóng nước, chúng tôi bắt gặp cảnh phụ huynh chèo thuyền chở con em mình đi học. Thấy vậy, chị Thắm liền nói: “Do bị ngập lụt, gần 2 tuần nay các cháu mầm non với tiểu học ở khu vực Kênh Gà đều phải nghỉ học. Chỉ có trường cấp 2 nằm ở vùng nội đê nên không bị ngập, các cháu vẫn đi học bình thường. Những ngày qua, mỗi ngày phụ huynh ở đây đều phải chèo thuyền đưa đón các cháu đi học”.
Theo chị Thắm, làng Kênh Gà gồm 3 thôn (thôn 1, thôn 2 và thôn 3), với hơn 600 hộ dân. Nằm ở vùng ngoài đê sông Hoàng Long, nơi đây được ví như “ốc đảo” bởi bao quanh là sông nước. Từ bao đời nay, người dân ở đây đều phải sống chung với lũ. Năm nào cũng bị ngập, trung bình mỗi năm khoảng 3, 4 lần, nhẹ thì lên đến nền nhà, nặng thì ngập hết tầng 1. Như đợt lũ lịch sử đang diễn ra hiện nay, nước ngập gần hết tầng 1.
“Bởi vì đã quen với cảnh ngập lụt nên nhà nào cũng chuẩn bị 1, 2 chiếc thuyền nhỏ để thuận tiện cho việc đi lại. Kể từ trận lũ lịch sử năm 2017, đến nay chúng tôi phải gánh trận lũ lịch sử thứ hai. Năm nay, nước sông dâng cao gần 5m, nhà cửa bị ngập sâu tới tận 2m. Nhiều ngày sống trong cảnh bị cô lập, đồ ăn, thức uống đều phải nhờ vào chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm”, chị Thắm kể.
Dạo quanh làng, chúng tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà còn bị ngập sâu trong nước, có những nhà vẫn in vết hằn phù sa khi nước vừa rút bớt.
Vừa dùng chổi quét đi lớp bùn đất, ông Trần Văn Khoe, 56 tuổi, ở thôn 2 Kênh Gà vừa than thở: “Nước sông dâng lên nhanh khiến vợ chồng tôi không kịp trở tay. Lúc nước dâng vào nhà khoảng 1m là vợ chồng tôi phải bỏ của chạy lấy người, nhanh chóng chèo thuyền sang nhà hàng xóm ở nhờ. Nhà tôi bị ngập tận 2m, ngập gần hết cả ngôi nhà. Bàn ghế, ti vi cùng một số vật dụng khác đều bị ngâm trong nước, hư hỏng cả rồi. Nước sông rút chậm, đường thì vẫn ngập sâu khoảng 1m, việc đi lại vẫn phải dùng bằng thuyền, chắc phải đến hơn một tuần nữa, chúng tôi mới trở lại cuộc sống bình thường”.
Phần lớn người dân ở đây khi xây dựng nhà cửa đều đã nâng cao phần nền nhà, sân nhà và xây gác xép, nhà có điều kiện hơn thì xây nhà cao tầng. Tuy nhiên chỉ như vậy là không đủ để ngăn lũ. Nước tràn vào nhà, mọi sinh hoạt đều diễn ra dưới dòng nước lũ. Nhiều hộ gia đình nước ngập đến hơn nửa nhà, người đi sơ tán nhưng đồ đạc thì đành ngâm nước. Đời sống người dân lại lâm vào cảnh khó khăn.
Chiếc thuyền nhỏ chở chúng tôi tiếp tục chèo, đi tới thăm nhà chị Trần Thị Đóa, ở thôn 1 Kênh Gà. Từ lối vào cổng đến sân nhà của gia đình chị Đóa vẫn đang bị ngập sâu.
“Nhà chúng tôi bị ngập đã hơn 10 ngày nay, mọi sinh hoạt đều vô cùng chật vật. Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn, mẹ chồng tôi năm nay đã 83 tuổi, bà vừa bị ngã gãy tay, chồng thì mắc bệnh tâm thần, có một con gái nhỏ đang học lớp 4. Tôi lại không có công việc ổn định, thỉnh thoảng mới đi làm phụ hồ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Mưa lũ kéo dài nên không thể đi làm được, bây giờ tôi chỉ ở nhà chăm sóc mẹ chồng, chồng và con cái nên kinh tế đã eo hẹp nay lại càng khốn khó hơn. Mong sao nước sông nhanh rút hết để các cháu còn đến trường, người dân còn quay trở lại cuộc sống thường ngày mưu sinh kiếm sống”, chị Đóa tâm sự.
Cách nhà chị Đóa không xa, gia đình bà Trần Thị Luyến, 56 tuổi thì lại đang phải sống cảnh lênh đênh trên sông nước. Gia đình bà Luyến còn sắm thêm một chiếc thuyền nhỏ để mưu sinh bằng nghề buôn bán rau, củ, quả. “Nhà tôi có hai con trai, đứa đầu 18 tuổi, đứa thứ hai 16 tuổi, cả 2 cháu đều đã bỏ học. Hơn 10 năm sống trên thuyền rồi chỉ kiếm sống bằng nghề bán rau củ, gia đình tôi không biết đến khi nào mới dành dụm đủ tiền để xây dựng căn nhà kiên cố”, bà Luyến chia sẻ.
Mưa lũ gây thiệt lớn về tài sản, hoa màu
Trao đổi với PV, ông Trần Duy Nhất, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh cho biết, khu vực Kênh Gà nằm giữa sông Hoàng Long, ở đây được ví như "ốc đảo", năm nào cũng bị ít nhất 3, 4 lần ngập lụt.
“Trong năm nay, người dân phải gánh chịu 2 trận lụt liên tiếp. Lần 1 là từ ngày 11/7 – 7/8, khu vực ngập sâu nhất là 1m, kéo dài gần 1 tháng thì nước mới rút hết. Còn trận lụt lần 2 thì kéo dài từ ngày 8/9 đến nay, do nước sông Hoàng Long dâng cao trên mức báo động 3, khiến nhiều ngôi nhà bị ngập sâu khoảng 2m. Hiện nay, nước lũ rút rất chậm nên ở khu vực Kênh Gà vẫn đang bị ngập lụt, chắc khoảng hơn 1 tuần nữa nước lũ mới rút hết”, ông Nhất cho hay.
Ông Nhất cho biết thêm, địa phương đã có những hoạt động hỗ trợ đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ như: Giao Ban Công tác Mặt trận các thôn tổ chức rà soát các hộ già cả, neo đơn, hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn để di chuyển đến ở nhờ các hộ có nhà cao tầng, nhà liền kề. Đồng thời, quan tâm các điều kiện ổn định tình hình đời sống, lương thực, nước sạch, cấp phát thuốc cho người dân, hướng dẫn cách xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường để tránh dịch bệnh sau lũ. Bên cạnh đó, khi có đoàn cứu trợ đến thì chính quyền tổ chức phân phát hoặc hỗ trợ thuyền chở vào tận từng nhà dân.
Trong đợt mưa lũ vừa qua, đã khiến 408 ngôi nhà trên địa bàn xã Gia Thịnh bị ngập (từ 1-3m); 2 điểm trường mầm non và tiểu học bị ảnh hưởng, các thiệt bị về giáo dục bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng; 2 trạm bơm kiên cố bị hư hỏng. Ngập 9,1 km đường giao thông trên địa bàn xã, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Có 20 ha lúa bị nước nhấn chìm; ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng,... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 1 tỷ đồng.