Thanh Hóa hiện có hàng trăm chợ với rất nhiều hộ gia đình, cá nhân buôn bán. Cứ mỗi dịp cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cho Tết của người dân lại tăng cao, kéo theo đó là nguy cơ cháy nổ gia tăng.
Theo thống kê trên địa bàn 26 huyện, thị, thành phố của Thanh Hóa có 389 chợ đang hoạt động. Lượng hàng hóa tại các chợ truyền thống tập trung lớn, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ xảy ra trong dịp Tết, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kiểm tra, tuyên truyền và trải nghiệm PCCC và CNCH cho các Ban Quản lý chợ và các hộ tiểu thương kinh doanh. Trong đó có chợ lớn nhất nhì xứ Thanh là chợ Vườn Hoa ở TP Thanh Hóa.
Chợ Vườn Hoa thuộc Công ty Cổ phần chợ Vườn Hoa, có tổng diện tích 7.320m2, gồm 3 tầng với gần 500 hộ kinh doanh, buôn bán nhiều mặt hàng. Đây là chợ trung tâm, đầu mối với khối lượng hàng hóa tập trung dịp Tết rất lớn. Sau hơn 20 năm được đưa vào khai thác, sử dụng, nhiều công trình, hạng mục đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Từ năm 2011 đến nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tiến hành trên hàng chục lượt kiểm tra và kiến nghị khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC.
Đến nay, chợ Vườn Hoa đã lập, lưu trữ hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH; thành lập và duy trì hoạt động của đội PCCC chợ; xây dựng, bổ sung chỉnh lý phương án chữa cháy; trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống vòi phun Sprinkler chữa cháy.
Các đơn vị đã lắp đặt đường điện riêng phục vụ hệ thống báo cháy và chữa cháy tại chợ; lắp đặt hệ thống 32 camera giám sát để kịp thời phát hiện, nhắc nhở các hộ tiểu thương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC và góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại chợ.
Để tăng cường công tác PCCC trong dịp cuối năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã phối hợp với Ban Quản lý chợ đến từng hộ tiểu thương để tuyên truyền, hướng dẫn công tác tự kiểm tra an toàn PCCC tại các quầy bán hàng.
Đồng thời là cách bố trí hàng hóa, vật tư, thiết bị khu vực xuất, nhập hàng; cách sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ; phương pháp dập tắt một đám cháy; nguyên nhân và biện pháp PCCC trong sử dụng điện, gas trong gia đình.
Ông Lê Văn Ngạn, Giám đốc Công ty Cổ phần Chợ Vườn Hoa, cho biết: Vào dịp cuối năm, chợ thường tập trung số lượng lớn hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng và nguyên vật liệu dễ cháy, nổ. Để tăng cường công tác PCCC, Ban Quản lý Chợ đã xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC nhằm phòng ngừa cháy, nổ một cách hiệu quả.
Trong đó, tiếp tục duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực /h; thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC định kỳ và chủ động sử dụng hệ thống loa phát thanh, loa cầm tay để thông báo cho các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ biết các yêu cầu của UBND tỉnh về công tác PCCC tại chợ.
Nhờ đó, ý thức về vai trò, trách nhiệm của các hộ tiểu thương trong việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn PCCC được nâng lên rõ rệt.
Nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, ngoài sự việc trông chờ vào các cơ quan chức năng thì tiểu thương, người kinh doanh, buôn bán và cả khách vào mua hàng phải nâng cao ý thức, chủ động bảo vệ tài sản của chính mình.
Hạn chế thấp nhất nguồn nhiệt dẫn tới cháy, nổ. Bởi khi xảy ra sự cố, hậu quả rất khó lường, thiệt hại trước hết là các tiểu thương.