Sáng 12/3, trong phiên họp ton thể lần thứ 5 tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đ Bắc Kinh, Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Ton quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) Trung Quốc kha XIV đã biểu quyết thng qua đề cử một loạt vị trí lãnh đạo cấp cao.
Theo đó, Quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua đề cử các vị trí bao gồm các Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên Quốc vụ viện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm các Ủy ban, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân (ngân hàng trung ương - PBoC) Trung Quốc, Tổng Kiểm toán, Tổng Thư ký Quốc Vụ viện…
Đặc biệt, trong số các đề cử vừa được thông qua có một số vị trí đáng chú ý như: các Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện (Chính phủ) Đinh Tiết Tường, Hà Lập Phong, Trương Quốc Thanh, Lưu Quốc Trung; các Ủy viên Quốc vụ Lý Thượng Phúc, Vương Tiểu Hồng, Ngô Chính Long, Kham Di Cầm, Tần Cương, trong đó Ngô Chính Long làm Tổng Thư ký Quốc Vụ viện, Tần Cương làm Bộ trưởng Ngoại giao, Lý Thượng Phúc làm Bộ trưởng Quốc phòng, Vương Tiểu Hồng làm Bộ trưởng Công an, Trịnh San Khiết làm Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Quang cảnh Kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân Đại, tức Quốc hội) Trung Quốc khóa XIV. Ảnh: Tân Hoa xã
Các vị trí Bộ trưởng gồm: Bộ trưởng Giáo dục Hoài Tiến Bằng, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Vương Chí Cương, Bộ trưởng An ninh quốc gia Trần Nhất Tân, Bộ trưởng Tư pháp Hạc Vinh, Bộ trưởng Tài chính Lưu Khôn, Bộ trưởng Nguồn nhân lực và Bảo đảm xã hội Vương Hiểu Bằng, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Vương Quảng Hoa, Bộ trưởng Sinh thái môi trường Hoàng Nhuận Thu, Bộ trưởng Giao thông vận tải Lý Tiểu Bằng, Bộ trưởng Thủy lợi Lý Quốc Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Nông thôn Đường Nhân Kiện, Bộ trưởng Thương mại Vương Văn Đào, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Hồ Hòa Bình, Thống đốc PBoC Dịch Cương và Tổng Kiểm toán Nhà nước Hầu Khải
Theo Bloomberg, việc ông Hà Lập Phong giữ chức Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, ông Lưu Côn giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông Vương Văn Đào giữ chức Bộ trưởng Thương mại và ông Dịch Cương giữ chức Thống đốc PBoC cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang tìm cách định hướng quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Trước đó, vào chiều ngày 11/3, tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, kỳ họp thứ nhất Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn Trung Quốc (Chính Hiệp) khóa XIV đã bế mạc. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo cấp cao khác của Trung Quốc đã tham dự sự kiện.
Tại kỳ họp diễn ra từ ngày 4 đến 11/3 này, ông Vương Hỗ Ninh đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Chính Hiệp khóa XIV. Ngoài ra, tổng cộng có 23 người được bầu làm Phó chủ tịch Chính Hiệp. Ông Vương Đông Phong được bầu làm Tổng Thư ký Chính Hiệp.
Mỗi năm một lần, hơn 2.000 đại biểu Chính Hiệp, những người đại diện cho các đảng phái, các đoàn thể tổ chức xã hội, các dân tộc thiểu số ở Trung Quốc lại tập trung về thủ đô Bắc Kinh để đóng góp ý kiến cho sự kiện quan trọng của nước này.
Các thành viên của Chính Hiệp Toàn quốc khóa XIV thuộc 34 nhóm và tất cả đều nằm trong số 56 nhóm sắc tộc của Trung Quốc. Các đại biểu mang tính đại diện rộng rãi với cấu trúc thành phần bao gồm những cá nhân nổi bật từ mọi tầng lớp xã hội Trung Quốc.
Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân đại, tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV diễn ra từ ngày 5 đến 13/3 tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh được xem là một trong những sự kiện chính trị trọng đại nhất của đất nước Trung Quốc trong năm nay. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bước vào hành trình mới, xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa.
Tại phiên toàn thể thứ 3 diễn ra ngày 10/3, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục được bầu làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, với số phiếu bầu tuyệt đối 2.952/2.952. Các đại biểu cũng bầu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế làm Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Chủ tịch Quốc hội) khóa XIV và bầu Phó Thủ tướng Hàn Chính làm Phó Chủ tịch nước.