Tiếp tục chương trình Kỳ họp 8, sáng 6/11, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Bổ sung quy định thời gian lập thủ tục và phê duyệt dự án
Cho rằng, dự thảo luật đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao "địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm"..., Đại biểu Trần Chí Cường- Đoàn ĐBQH Tp Đà Nẵng đề nghị quy trình, thủ tục thực hiện đầu tư dự án công "cần được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án".
Theo đại biểu, vì dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định mới như: Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; sử dụng các nguồn vốn ngoài vốn đầu tư công cho công tác chuẩn bị đầu tư, phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. "Sẽ góp phần rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án đầu tư công".
Đặc biệt, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở Điều 36a bổ sung trong Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Dự thảo Luật cũng quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.
“Với thời gian thực hiện quy trình, thủ tục như trên thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 89, Luật Đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi”, đại biểu Cường nhấn mạnh.
Tránh trường hợp dự án nhỏ cũng phải bảo đảm quy trình, thủ tục phức tạp
Cùng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng việc nâng tiêu chí dự án quan trọng quốc gia lên đến 30.000 tỷ đồng, nhưng các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C vẫn ở mức cũ là không phù hợp.
"Đề nghị cần điều chỉnh lại cho phù hợp, nhất là điều chỉnh biên độ dự án nhóm B, nhóm C đang có biên độ rất cao (từ 0 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng)"- đại biểu Thành kiến nghị.
Theo đại biểu, việc điều chỉnh biên độ giữa tối thiểu và tối đa sẽ phù hợp với tính chất nhóm B và nhóm C hơn, từ đó áp dụng quy trình, thủ tục phù hợp, tránh trường hợp dự án nhỏ cũng phải bảo đảm quy trình, thủ tục phức tạp.