Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Hải Phòng vừa tổ chức Chuyên đề Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số, thư viện số trong dạy và học chương tình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, năm học 20-2025.
Theo đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó xác định giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Theo quy định của Điều lệ trường tiểu học, công tác thư viện, thiết bị và hoạt động của thư viện là nội dung bắt buộc trong nhà trường tiểu học.
Tham dự buổi tổ chức chuyên đề, bà Đỗ Thị Hoà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng cho biết: Năm học 20-2025 là năm học thứ năm thực hiện chương trình GDPT 2018, kết thúc lộ trình đầu tiên thực hiện chương trình mới của bậc tiểu học. Song song với việc chú trọng thực hiện giảng dạy các môn học trong chương trình, Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng đã định hướng, chỉ đạo quan tâm triển khai các hoạt động bố trợ trong giáo dục nhằm phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh, trong đó có công tác thư viện, thiết bị trường học. Sở GD&ĐT đã lựa chọn Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng là đơn vị triển khai thực hiện Chuyên đề Sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học số và thư viện số trong dạy và học.
Thực hiện Công văn số 5750 của Bộ GD&ĐT ngày 31/12/2020 và Công văn 556 ngày 17/3/2021 của Sở GD&ĐT TP. Hải Phòng về việc tổ chức hoạt động thư viện trong trường tiểu học, Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng đã triển khai thực hiện chú trọng công tác vận hành thư viện theo quy định, hướng dẫn.
Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng đã chỉ đạo các nhà trường dành nguồn kinh phí từ ngân sách, từ xã hội hóa, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học, sắp xếp thời lượng cho tiết đọc thư viện, thúc đẩy phong trào phát triển văn hóa đọc trong giáo viên, học sinh và có cả sự hưởng ứng của phụ huynh học sinh trong các ngày hội đọc sách được tổ chức thường xuyên, định kỳ tại các nhà trường.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, các nhà trường đang đối diện với nhiều khó khăn, thách trong việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin có khả năng triển khai trên môi trường số trong đó có thư viện số, thư viện điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng, hiện nay trên địa bàn quận có 9/9 trường tiểu học có nhân viên thư viện chuyên trách. Tât cả các trường này đã xây dựng được không gian thư viện đúng quy định theo tiêu chí xanh, thân thiện và mở rộng, từ đó tổ chức vận hành thư viện bảo đảm tính hiệu quả.
Tại chuyên đề, các đại biểu được trải nghiệm tiết dạy minh hoạ “Tìm hiểu kiến thức về Địa lý, Bài Thiên nhiên Việt Nam - Tiết 1 (nội dung: Khoáng sản)” do cô và trò lớp 5A5 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng thực hiện tại phòng học thông minh của nhà trường. Tiết dạy minh hoạ đã tích hợp các nội dung tiết đọc thư viện để tìm hiểu kiến thức địa lý trên nền tảng số tức là tích hợp được ba nội dung: Đọc thư viện - Chuyển đổi số - Lịch sử Địa lý.
Thông qua tiết dạy, các em học sinh hình thành kỹ năng sử dụng, khai thác sách điện tử, sách nói, thiết bị dạy học số trong thư viện số của nhà trường; hình thành và phát triển năng lực quan sát, năng lực tin học, năng lực giao tiếp, hợp tác nhóm, năng lực tự học - giải quyết vấn đề.
Sau tiết dạy minh họa, chuyên gia đến từ Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ hướng dẫn cách triển khai, định hướng phương pháp, cách thức sử dụng, khai thác thư viện số, ứng dụng thiết bị dạy học số trong dạy và học nói chung, phần môn Lịch sử, Địa lý nói riêng nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.