Tâm điểm dư luận

Tăng chế tài với bạo lực học đường

Trung Nguyễn 02/01/20 - 16:09

Tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra phức tạp. Thực trạng này cũng được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, khi bình quân cứ 50 cơ sở giáo dục thì xảy ra một vụ bạo lực học đường.

Bệnh thành tích trong giáo dục đã được nhắc đến khá nhiều trong thời gian vừa qua. Tác hại của bệnh thành tích rất lớn khi nó đảo lộn nhiều giá trị tốt đẹp, phá vỡ đi nhiều truyền thống văn hóa của dân tộc, làm nảy sinh ra bệnh giả dối, gian dối trong giáo dục, gây tác hại của nó rất nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà.

Ngành giáo dục đã nhận thức được vấn đề này và có một số giải pháp khắc phục. Dù vậy, sự cố gắng, nỗ lực của ngành giáo dục sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta hình thành được một môi trường lành mạnh, hướng đến phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Muốn có được môi trường lành mạnh ấy thì tinh thần này phải được quán triệt, thấm nhuần trong từng gia đình, tổ chức đoàn thể, xã hội, trong mỗi nhà trường, trên cả các phương tiện truyền thông. Có được sự đồng tâm, đoàn kết ấy, chúng ta mới có thể khắc phục được bệnh thành tích nói riêng, vấn nạn khác nói chung của giáo dục Việt Nam.

Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho thấy khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường đến từ nguyên nhân do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, trò chơi điện tử bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực cả ở ngoài đời thực và trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, những nguyên nhân như từ giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người; cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một bộ phận xã hội đã ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị quan trọng của nhà trường, đạo đức của một bộ phận nhà giáo; do phụ huynh ít quan tâm tới con cái hoặc cha mẹ thường nặng lời quát mắng con, bạo hành gia đình khiến trẻ em - đang trong giai đoạn hình thành nhân cách – bị tổn thương tâm lý, tình cảm dẫn đến những lệch lạc trọng nhận thức và hành vi.

Trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em khiến một số vụ việc xâm hại, bạo lực, các em vẫn không được hỗ trợ, cảm thấy đơn độc.

Thời gian qua, ngành giáo dục đã có những giải pháp nhất định nhằm ngăn chặn, phòng ngừa bạo lực học đường như tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030", Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xây dựng "Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục" dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác...

Tuy nhiên, so với kỳ vọng của cử tri cả nước, chúng ta cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ hơn cho vấn đề nghiêm trọng này. Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, để giải quyết vấn đề bạo lực học đường tận gốc rễ, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội với sự nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường.

Bên cạnh đó, cần ban hành và sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để tăng tính chế tài cho các hành vi bạo lực học đường. Việc xử phạt làm gương, vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính răn đe cho các hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, tích cực xây dựng môi trường văn hóa trong nhà trường cũng là một giải pháp mang tính bền vững.

Để tạo được môi trường học tập, vui chơi lành mạnh cho học sinh, ngành giáo dục cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa đề án xây dựng văn hóa học đường, ở đó nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc.

Nhà trường và các cơ quan, tổ chức, các cá nhân có trách nhiệm cần làm hết trách nhiệm theo những gì pháp luật quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống đánh giá bạo lực học đường tại các trường học trên toàn quốc và hệ thống đánh giá trong trường học; xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin tình huống bạo lực học đường; rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng chế ti với bạo lực học đường