Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tạo nên tình trạng bong bóng, giá "trên trời" so với thực tế.
Ngày 31/10, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Thao túng không chỉ qua đấu giá, bỏ cọc
Phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan dẫn chiếu với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật khác.
Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời giúp cho công tác quản lý Nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn.
Góp ý về các hành vi bị cấm, ông Sinh đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.
"Thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", ông Sinh nói.
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị làm rõ hành vi thao túng thị trường bất động sản và cần quy định rõ là cấm thao túng, làm giá thị trường bất động sản. Vì hành vi thao túng thị trường bất động sản "cũng nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng thị trường chứng khoán".
Đại biểu dẫn chứng, Điều 211, Bộ luật Hình sự quy định hành vi thao túng thị trường chứng khoán, song hành vi thao túng thị trường bất động sản thì chưa có, trong khi hành vi này đang diễn ra rất tinh vi. Từ đó dẫn đến tình trạng bong bóng và giá trên trời. Cần phải cấm trong luật và đặc biệt có quy định cụ thể để loại trừ.
"Thao túng không chỉ qua việc đấu thầu giá cao rồi bỏ cọc, mà còn dùng giá dự án này để kích giá dự án khác, tạo ra mặt bằng giá rất cao. Nếu chúng ta không xử lý triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng bất động sản và dẫn tới sự cố vỡ nợ giống như vụ Evergrande ở Trung Quốc", ông An phân tích.
Bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt
Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh, Luật kinh doanh bất động sản là Luật rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thị trường bất động sản liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, do đó các quy định của Luật cần chặt chẽ, tránh sơ hở, đáp ứng yêu cầu phòng,chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.
Cụ thể, Dự thảo quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Theo Luật Phòng chống tham nhũng thì việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, đối với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc "thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt". Đại biểu đề nghị sửa lại nội dung chính sách nêu trên để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng của Nhà nước ta.
Về quy định công khai minh bạch thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh, đại biểu cũng nhận thấy quy định này còn có một số bất cập, cần nghiên cứu, bổ sung thêm.
Bên cạnh đó, Dự thảo quy định trong thời hạn ngày thì cơ quan nhà nước phải trả lời về việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện chuyển nhượng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phân tích, dự thảo Luật không quy định rõ nếu quá thời hạn này mà không trả lời thì giải quyết thế nào và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Trong dự thảo nghị định, Chính phủ quy định nếu quá thời hạn mà cơ quan nhà nước không trả lời thì chủ đầu tư được ký hợp đồng bán, cho thuê và tự chịu trách nhiệm. Như vậy cơ quan Nhà nước có thể trả lời, hoặc không trả lời và quy định này cũng mâu thuẫn quy định về các thông tin phải công khai.
Với các quy định như vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị xem xét lại có cần việc xác nhận đủ điều kiện của cơ quan Nhà nước nữa hay không. Còn nếu quy định thì phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước một cách cụ thể và chặt chẽ.