Tiếp tục chương trình Phiên họp 48, chiều 14/9, UBTVQH cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về cng tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.
Tại phiên họp UBTVQH đề nghị làm rõ nguyên nhân của giảm các vụ việc khiếu kiện; những tồn tại hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Đối với những trường hợp giải quyết, đối thoại, giải thích mà vẫn tiếp tục cố tình tố cáo thì cần có giải pháp quyết liệt và mạnh tay hơn.
Nhiều bất cập trong khiếu nại, tố cáo
Theo báo cáo của Chính phủ, so với năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp tập trung trong thời gian trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và thời gian diễn ra kỳ họp thứ 9 của Quốc hội (đặc biệt số đơn tố cáo tăng 20,8%), mặc dù số đoàn đông người có giảm.
Toàn cảnh phiên họp
So với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, nội dung chủ yếu trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo gia tăng, trong đó nguyên nhân chủ yếu do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai; khiếu kiện ở một số lĩnh vực khác có diễn biến phức tạp. Mặt khác, pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại cũng có những bất cập nhất định.
Công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, yếu kém, vi phạm, nhất là khâu công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; việc thanh, kiểm tra còn hạn chế và chưa kịp thời. Một số công chức chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ; có trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, vụ lợi cá nhân. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại đối thoại với dân, chưa tập trung, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài…
Báo cáo của TANDTC cũng cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, các Tòa án đã nhận được 19.722 đơn thư các loại. Qua phân loại, số đơn mới thụ lý có 6.222 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.044 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán; 34 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án. So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới giảm 446 đơn.
Đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán giảm là do Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, Hội nghị giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án nên kỹ năng, chất lượng giải quyết các loại vụ việc của đội ngũ công chức có chức danh tư pháp được nâng lên.
TANDTC đã quan tâm, chỉ đạo các Tòa án thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân tối cao về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2020/CT-CA ngày 11/6/2020 về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Tòa án nhân dân…
Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các khiếu nại, tố cáo và đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu các Tòa án nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc ngay từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm; tăng cường công tác hòa giải, đối thoại; chủ động phối hợp với VKSND cùng cấp rà soát, phân loại các đơn phải xem xét, giải quyết; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo... Bên cạnh đó, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cũng đã tổ chức các buổi làm việc, Hội nghị chuyên đề về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này.
Các đơn khiếu nại liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao.
Đáng chú ý, trong tổng số 4.139 đơn mà Tòa án đã giải quyết có 3.605 đơn khiếu nại không có căn cứ; số đơn còn lại (401 đơn) đang trong thời hạn giải quyết và được các Tòa án tiếp tục xem xét, xử lý trong quá trình giải quyết vụ án. Các Tòa án đều bảo đảm tuân thủ đúng thủ tục, thời hạn theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của liên ngành tư pháp Trung ương; chú trọng việc đối thoại và yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại cung cấp tài liệu, chứng cứ để xem xét, xác minh những vấn đề cần làm rõ.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày Báo cáo công tác giải quyết KNTC của TAND năm 2020
Phải xử lý nghiêm những trường hợp tố cáo sai sự thật
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH tán thành với 04 nhóm nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị làm rõ nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo: do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước? Hay do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị: "Trong 4 nguyên nhân thì nguyên nhân về chính sách pháp luật, cơ chế còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Như vậy chúng ta đánh giá nguyên nhân khiếu kiện là do chính sách pháp luật chúng ta bất cập, chưa phù hợp như vậy có đúng không? Tôi thấy như vậy mà đúng thì rõ ràng chúng ta đánh giá chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật, chính sách trong thời gian qua không đạt yêu cầu. Chủ yếu là do chúng ta thực hiện chưa nghiêm, phát sinh khiếu nại tố cáo. Mà nguyên nhân này là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện tố cáo thì làm sao chúng ta căn cứ vào đâu giải quyết 70-80% khiếu nại, tố cáo".
UBTVQH cũng cho rằng các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo như: đất đai, môi trường, tài nguyên, chế độ chính sách, việc quản lý nhà nước còn nhiều bất cập. Giải quyết khiếu nại tố cáo trong năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả, nhiều vụ phức tạp tồn đọng đã được giải quyết. Tuy nhiên, còn tình trạng giải quyết lòng vòng, khiếu nại tố cáo vượt cấp và chưa giải quyết triệt để một số vụ việc tồn đọng nhiều năm. Cơ bản tán thành với các giải pháp được nêu ra trong các báo cáo, tuy nhiên, Ủy ban pháp luật và Ủy ban tư pháp đề nghị cần xác định rõ hơn nữa các giải pháp có tính chất đột phá để tập trung giải quyết công tác này tốt hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết cơ bản tán thành các nội dung báo cáo đề cập đến. Đề nghị các cơ quan đánh giá cụ thể hơn tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020; tập trung giải quyết những vụ việc phức tạp kéo dài, có sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành; giữa bộ ngành với địa phương và xác định rõ thẩm quyền, đề nghị phải triển khai thường xuyên và quyết liệt hơn nữa. Tới đây phải công khai các vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật trên các phương tiện thông tin báo chí và gửi về cho địa phương nơi người có khiếu nại tố cáo cư trú để biết quản lý phối hợp tốt hơn. Trường hợp đối thoại, giải thích, vẫn tiếp tục cố tình tố cáo thì đề nghị có giải pháp quyết liệt và mạnh tay hơn; phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng cố tình tố cáo sai sự thật, vu khống người khác.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục hoàn thiện báo cáo của mình để trình Quốc hội cho ký kiến vào kỳ họp tháng 10.