Ngày 17/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh đến năm 2030.
Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đặng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV, và các lãnh đạo đơn vị tỉnh Hà Giang.
Tỉnh Hà Giang xác định, trong giai đoạn 2021-2025 vẫn là tỉnh nông nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sinh kế bền vững cho hơn 80% lao động nông thôn. Năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành đạt gần nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 31% cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Về định hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh xác định phát triển nông nghiệp đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Tỉnh phát triển nông nghiệp theo hai trục chính. Trục thứ nhất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm với các nhóm cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nghiên cứu chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô tại bốn huyện phía bắc sang trồng cây khác có giá trị cao hơn. Trục thứ hai là ưu tiên thúc đẩy phát triển một số chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc sản, đặc hữu chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, tỉnh xác định nông nghiệp là một trong ba trụ cột chính trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong ba khâu đột phá (nhiệm kỳ 2021-2025), ngành nông nghiệp được giao chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện hai khâu đột phá đó là: tạo sinh kế, nâng cao vật chất, tinh thần cho người dân; phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết, tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, kế hoạch thực hiện cụ thể. Cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đi vào cuộc sống, tạo ra giá trị, thu nhập cho người dân và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Tuy nhiên, tỉnh vẫn gặp những khó khăn, thách thức như điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu phức tạp; biến đổi khí hậu đang tác động ngày một nhanh hơn; thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt trầm trọng, nhất là đối với bốn huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, đầu tư lớn.
Giao thông khó khăn, hiện chỉ có duy nhất một tuyến đường bộ kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, chuyển đổi số vào sản xuất còn nhiều hạn chế; chưa tạo ra được sự bứt phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng, vật nuôi đặc trưng, đặc sản.
Do đó, tỉnh mong muốn và kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và các bộ, ngành, các đại biểu định hướng, hiến kế cho tỉnh các nhóm giải pháp, cơ chế, chính sách để khai thác được tiềm năng, thế mạnh, huy động được nguồn lực, thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển.
Tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học đồng tình với những mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nêu lên những giải pháp giúp tỉnh đạt được những mục tiêu đề ra như: Ưu tiên nguồn lực phát triển cây, con đặc trưng, đặc sản có lợi thế so sánh như cam, chè Shan tuyết, dược liệu, cây ăn quả ôn đới, bò vàng, lợn địa phương, mật ong; tập trung nguồn lực để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, nước sản xuất trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhất là đối với bốn huyện vùng Cao nguyên đá; quan tâm bảo tồn, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cây chè Shan tuyết cổ thụ.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định, Hà Giang có nhiều sự khác biệt và có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng. Do đó, các nhà khoa học, các đơn vị cần tiếp thêm trí lực, nguồn lực cho tỉnh khởi tạo những giá trị mới. Không chỉ dừng lại ở báo cáo mà cần hành động, mở rộng tư duy, kiến tạo hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp để tạo giá trị cao, nâng cao đời sống người dân.
Bên cạnh đó, tìm kiếm giải pháp thật sự hiệu quả để giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp với du lịch; đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Có sự linh hoạt, chuyển hóa, chuyển đổi các mô hình kinh tế hiệu quả.
Đồng thời, Hà Giang cần xác định phát triển nông nghiệp, du lịch không chỉ là phát triển kinh tế đơn thuần mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào của quê hương Hà Giang, vùng đất “nở hoa trên đá”. Chú trọng giữ gìn, phát huy không gian văn hóa để tạo giá trị, xây dựng thương hiệu. Liên kết trong sản xuất từng ngành hàng, từ khâu giống đến sau thu hoạch để tạo các chuỗi giá trị của các sản phẩm nông sản.