Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mùa lễ hội năm nay, các địa phương chuẩn bị tốt từ công tác quản lý, tổ chức đến truyền thông, quảng bá.
Cũng vì vậy mà hoạt động du lịch tâm linh đã đóng góp rất lớn trong việc gia tăng lượng khách.
Điển hình như Thủ đô Hà Nội đón hơn 2,1 triệu lượt khách trong tháng 2/20, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó lượng khách đi du lịch tâm linh chiếm số đông.
Tỉnh Ninh Bình đón gần 1,92 triệu lượt khách, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tỉnh Lào Cai đặt kỳ vọng du lịch tâm linh sẽ giúp địa phương hoàn thành sớm mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách trong năm 20...
Theo các chuyên gia, du lịch tâm linh đang là xu thế và thế mạnh được rất nhiều quốc gia khai thác, trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo mang nguồn thu lớn như: Ấn Độ, Bhutan, Thái Lan...
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) Nguyễn Anh Tuấn, Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh thể hiện ở bề dày văn hóa, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm gắn với tôn giáo, tín ngưỡng.
Đồng thời nhu cầu du lịch, đi lễ của du khách đã trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Nếu khai thác tốt, du lịch tâm linh sẽ có sức hút không chỉ với khách nội địa mà còn hấp dẫn với khách quốc tế.
Việt Nam có hơn 41.000 di tích, gần 9.000 lễ hội, đó là nguồn lực dồi dào để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, trong đó có du lịch tâm linh. Từ đầu năm đến nay, các tour du lịch đi đền, chùa, di tích lịch sử được rất nhiều người lựa chọn.
Trong đó, những điểm du lịch tâm linh như chùa Hương (Hà Nội), Đền Hùng (Phú Thọ), Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), phủ Dầy, đền Trần (Nam Định), chùa Tam Chúc (Hà Nam), miếu Bà chúa xứ (An Giang)… đang được nhiều du khách lựa chọn.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều khu di tích và điểm văn hóa tâm linh thu hút một lượng lớn người dân và du khách đến thăm, chiêm ngưỡng và cầu nguyện cho sự may mắn, bình an và hạnh phúc. Mặc dù các công ty du lịch đã tập trung vào việc phát triển các tour liên quan, nhưng du lịch tâm linh vẫn chỉ là hoạt động mùa vụ, chưa thực sự trở thành một sản phẩm có sức hút liên tục suốt cả bốn mùa.
Bằng cách thực hiện những biện pháp cụ thể hơn như tăng cường: Phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, tổ chức sự kiện và hoạt động tâm linh, quảng bá và tiếp thị, hợp tác cộng đồng, đào tạo và nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế,... du lịch tâm linh có thể trở thành một ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của một địa phương.