Tổng thống Putin phê chuẩn dự thảo đề xuất của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề an ninh; Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hnh các biện pháp giảm bạo lực súng đạn; Thụy Điển, Hn Quốc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho người cao tuổi… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: Reuters
Tổng thống Putin phê chuẩn dự thảo đề xuất của Bộ Ngoại giao Nga về vấn đề an ninh
Trả lời hãng tin Sputnik ngày 14/2, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn dự thảo của Bộ Ngoại giao nước này về các biện pháp ứng phó của Moscow đối với các đề xuất về đảm bảo an ninh.
Ông Peskov nhấn mạnh về mặt khái niệm Tổng thống Putin đã phê chuẩn dự thảo do ông Lavrov đưa ra và hiện các nhà ngoại giao đang nỗ lực hoàn tất văn kiện này và sau đó sẽ được gửi đến các địa chỉ cần thiết. Trong đề xuất này, Ngoại trưởng Lavrov đề nghị Moscow cần tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những đảm bảo an ninh từ phương Tây.
Tổng thống Biden kêu gọi Quốc hội Mỹ ban hành các biện pháp giảm bạo lực súng đạn
Ngày 14/2, nhân dịp tưởng niệm 4 năm ngày xảy ra vụ xả súng chết người tại trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, bang Florida, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Quốc hội ban hành các biện pháp nhằm giảm bạo lực súng đạn tại quốc gia này.
Tổng thống Biden cho biết trong một tuyên bố rằng Quốc hội “phải làm nhiều hơn nữa” trong nỗ lực chống lại tội phạm bạo lực trong nước, bao gồm việc yêu cầu kiểm tra lý lịch về việc bán súng, cấm vũ khí tấn công và loại bỏ quyền miễn trừ pháp lý đối với các nhà sản xuất súng.
Iran nhấn mạnh lợi ích quốc gia trong đàm phán hạt nhân
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ngày 14/2 cho biết, Tehran sẽ nhanh chóng ký một thỏa thuận hạt nhân mới chừng nào những lợi ích quốc gia của nước này được bảo vệ. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Iran đang nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký hồi năm 20 với các cường quốc thế giới.
Singapore phê chuẩn sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Nuvaxovid của Novavax
Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore ngày 14/2 cho biết đã phê duyệt và cấp phép sử dụng vaccine do Công ty Novavax phát triển cho người từ 18 tuổi trở lên và đây là loại vaccine đầu tiên không theo công nghệ mRNA mà dựa trên protein được khuyến nghị sử dụng thành mũi tiêm tăng cường.
Thụy Điển, Hàn Quốc tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho người cao tuổi
Thụy Điển và Hàn Quốc là hai nước sau Đức và Israel triển khai tiêm mũi vaccine COVID-19 thứ 4 cho nhóm người có nguy cơ cao.
Trong khi Chính phủ Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 mũi thứ 4 cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao trong tháng này, thì Thụy Điển cũng khuyến cáo những người trên 80 tuổi cần tiêm mũi tăng cường thứ 2 giúp tăng cường hệ miễn dịch trước biến thể Omicron.
Đức kỳ vọng Novavax thay đổi ý những người bài vaccine COVID-19
Tại Đức có đến 20 triệu người không tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, vaccine Novavax với công nghệ protein "cổ điển" được cho sẽ thay đổi điều này. Tại thị trường EU, vaccine Novavax được sản xuất dưới tên thương mại Nuvaxovid.
Hàn Quốc triển khai tiêm mũi vaccine thứ tư từ cuối tháng 2
Chính quyền Hàn Quốc ngày 14/2 xác nhận nước này sẽ triển khai tiêm mũi thứ tư vaccine ngừa COVID-19 từ cuối tháng 2 và cung cấp thêm hàng triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà cho người dân trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gia tăng tại nước này.
Hàn Quốc thông qua dự luật đảm bảo người mắc COVID-19 và cách ly đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống
Ngày 14/2, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật cho phép các bệnh nhân mắc COVID-19 và người đang trong thời gian cách ly phòng dịch đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vào ngày 9/3 tới.
Đức lên kế hoạch bãi bỏ dần các biện pháp phòng dịch
Chính quyền 16 bang ở Đức đã nhất trí về một dự thảo nghị quyết nới lỏng các biện pháp phòng dịch trước thềm cuộc họp của chính quyền liên bang và các bang vào ngày 16/2 tới. Theo đó, từ ngày 20/3, những hạn chế sâu rộng đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ được bãi bỏ dần.
Tỉnh đông dân nhất Canada bãi bỏ hệ thống hộ chiếu vaccine ngừa COVID-19
Chính quyền tỉnh Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - vừa thông báo quyết định dỡ bỏ hệ thống hộ chiếu vaccine kể từ ngày 1/3 tới, đồng thời đẩy nhanh giai đoạn II của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế.
Đáng chú ý, các yêu cầu về việc đeo khẩu trang sẽ vẫn được chính quyền Ontario áp dụng vào thời điểm này. Tất cả các hạn chế về sức chứa trong các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 17/2.
Đài Loan (Trung Quốc) xem xét giảm thời gian cách ly đối với người nhập cảnh
Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/2 thông báo dự kiến từ tháng 3 tới sẽ nới lỏng quy định cách ly phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh vùng lãnh thổ này cần từng bước khôi phục cuộc sống bình thường và mở cửa lại với thế giới.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho báo giới biết, cơ quan này dự kiến thời gian cách ly sẽ giảm xuống còn 10 ngày trước giữa tháng 3, đồng thời tin tưởng rằng có thể phát hiện mọi ca lây nhiễm trong thời gian này bằng cách xét nghiệm.
Đảng cầm quyền Nhật Bản kêu gọi mở cửa cho sinh viên nước ngoài
Ngày 14/2, Ủy ban Giáo dục và Khoa học thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã soạn thảo dự thảo nghị quyết kêu gọi chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio cho phép các sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào Nhật Bản.
Trong dự thảo nghị quyết này, LDP kêu gọi Chính phủ Nhật Bản ưu tiên cho phép các sinh viên nước ngoài nhập cảnh vào nước này bất kể họ là sinh viên tự trả học phí hay nhận học bổng của chính phủ, đồng thời không đưa các đối tượng này vào diện giới hạn số lượng nhập cảnh.
Hệ thống y tế của Hong Kong (Trung Quốc) bị quá tải
Ngày 14/2, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho biết "sự tấn công dữ dội" của làn sóng dịch COVID-19 đã giáng một đòn nặng nề vào hòn đảo này, khiến hệ thống y tế quá tải khi số ca mắc mới mỗi ngày luôn ở mức cao mới.
Mỹ phá hủy thiết bị, đóng Đại sứ quán tại thủ đô Kiev của Ukraine
Ngày 14/2 (theo giờ Đông Âu), Mỹ thông báo đã tạm thời đóng cửa Đại sứ quán nước này ở thủ đô Kiev của Ukraine. Theo kênh CNN và hãng tin Reuters, Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Mỹ tạm thời đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Kiev và chuyển cơ quan ngoại giao này về thành phố Lviv, miền Tây Ukraine.
Theo Ngoại trưởng Blinken, nguyên nhân là Washington lo ngại “việc Nga gia tăng mạnh các lực lượng” ở biên giới Ukraine.
LHQ hoan nghênh các nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Ukraine
Ngày 14/2, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã điện đàm riêng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Trong các cuộc điện đàm, Tổng Thư ký LHQ hoan nghênh các nỗ lực đối thoại ngoại giao nhằm giảm bớt căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh không có giải pháp nào ngoài lộ trình ngoại giao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
UAE, Thổ Nhĩ Kỳ ký 13 thỏa thuận hợp tác
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/2 đã ký kết 13 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, y tế, biến đổi khí hậu, công nghiệp, công nghệ, văn hóa, nông nghiệp, thương mại, kinh tế, thanh niên, giao thông, quản lý thảm họa, khí tượng, truyền thông và lưu trữ, trong khuôn khổ chuyến thăm Abu Dhabi của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Nga tiết lộ chi tiết về cuộc chạm trán với tàu ngầm Mỹ
Theo kênh RT (Nga) ngày 14/2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã trình bày chi tiết về vụ việc vào cuối tuần qua mà theo Moscow, một tàu ngầm quân sự của Mỹ đã vi phạm chủ quyền của Nga, điều mà Lầu Năm Góc đã phủ nhận.
Quân đội Nga đã thông báo vụ việc hôm 14/2 rằng đối tượng xâm nhập là một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Vụ việc xảy ra ở Thái Bình Dương gần quần đảo Kuril của Nga vào thời điểm Hải quân Nga đang tiến hành cuộc tập trận ở khu vực này.
Anh thu giữ các tác phẩm NFT trong chiến dịch chống trốn thuế
Nhà chức trách Vương quốc Anh ngày 14/2 thông báo đã lần đầu tiên tịch thu các tác phẩm kỹ thuật số NFT trong khuôn khổ chiến dịch truy quét nhằm vào các hoạt động phạm pháp nhằm trốn thuế.
Cơ quan Thuế và Hải quan Anh (HMRC) đã tiến hành thu giữ NFT sau khi điều tra âm mưu lừa đảo kho bạc với số tiền lên tới 1,4 triệu bảng Anh (1,9 triệu USD). Ngoài ra, nhà chức trách còn tịch thu số tài sản ảo khác trị giá 5.000 bảng Anh (6.762 USD).
FED trước sức ép lạm phát leo thang
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cần đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát leo thang và có thể làm như vậy mà không gây chao đảo thị trường tài chính. Đây là nhận định của Chủ tịch FED St. Louis, ông James Bullard, đưa ra ngày 14/2.
Trung Quốc tăng cường giám sát thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu
Ngày 14/2, Tổng cục quản lý thị trường Trung Quốc cho biết nước này đã lắp đặt 869 kho lạnh để thực hiện giám sát tập trung đối với thực phẩm dây chuyền lạnh nhập khẩu.
Campuchia nối lại phiên xét xử cựu thủ lĩnh đối lập Kem Sokha
Phiên tòa xét xử cựu thủ lĩnh đối lập Campuchia Kem Sokha sẽ được nối lại vào ngày 16/2 tới sau khi bị hoãn do luật sư của ông này bị mắc COVID-19.
Đây là thông tin mới được người phát ngôn kiêm Phó trưởng công tố Tòa án Phnom Penh, Plong Sophal thông báo với truyền thông Campuchia. Người phát ngôn này xác nhận phiên tòa sẽ bắt đầu từ 8h30 sáng 16/2.
Cảnh sát Pháp nổ súng tiêu diệt kẻ tấn công bằng dao
Ngày 14/2, các nguồn tin từ cảnh sát Pháp cho biết, một người đàn ông cầm dao đã lao vào tấn công 2 cảnh sát tại ga tàu hỏa Gare du Nord ở thủ đô Paris, buộc 2 cảnh sát trên phải nổ súng bắn hạ.
Hỏa hoạn khiến 7 người thiệt mạng tại Pháp
Các công tố viên Pháp cho biết sáng 14/2, một vụ nổ gây hỏa hoạn đã xảy ra tại khu vực dân cư của thị trấn Saint-Laurent-de-la-Salanque, nằm cách thành phố Perpignan km, miền Nam nước Pháp. Hậu quả là 7 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Nguyên nhân vụ nổ chưa được xác định.
Lại xảy ra động đất gần địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên
Cơ quan khí tượng quốc gia Hàn Quốc (KMA) ngày 14/2 cho biết một trận động đất có độ lớn 2,3 xảy ra cùng ngày gần địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên.