Máy bay chiến đấu Su-35S của Nga lao xuống biển sau khi gặp trục trặc động cơ; Syria đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở tỉnh Daraa; WHO v các tổ chức ti chính lớn hối thúc ưu tiên vaccine cho các nước nghèo… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Máy bay chiến đấu Su-35S của Nga lao xuống biển sau khi gặp trục trặc động cơ
Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/7 xác nhận một máy bay chiến đấu Su-35S đã gặp sự cố về động cơ ở khu vực Khabarovsk thuộc vùng Viễn Đông. Tuy nhiên, phi công đã kịp thoát khỏi máy bay một cách an toàn.
Thông báo của Quân khu miền Đông Nga cho biết chiếc Su-35S đã lao xuống biển Okhotsk sau khi gặp trục trặc động cơ. Một ủy ban của quân khu này đang tiến hành điều tra về sự cố.
Syria đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở tỉnh Daraa
Các bên liên quan tại Syria, thông qua vai trò trung gian hòa giải của Nga, ngày 31/7 đã đạt được thỏa thuận chấm dứt tình trạng căng thẳng bùng phát gần đây ở tỉnh miền Nam Daraa.
Theo thỏa thuận, 130 tay súng bị truy nã sẽ tới các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng phiến quân ở tỉnh Tây Bắc Idlib. Đổi lại, Quân đoàn số 8 của quân đội Syria, được Nga hỗ trợ, sẽ tiến vào các khu vực ở Idlib và tiếp quản các vị trí quân sự.
Israel nới lỏng một số hạn chế tại Dải Gaza
Israel ngày 30/7 thông báo sẽ nới lỏng một số biện pháp hạn chế đang được áp đặt tại Dải Gaza, trong đó có việc mở rộng khu vực được phép đánh bắt cá.
Trong một tuyên bố, ông Ghassan Alian, phụ trách điều phối các hoạt động của Chính phủ Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, cho biết: “Từ ngày 1/8, thiết bị và hàng hóa sẽ được phép vận chuyển vào Gaza, trong đó có vật tư phục vụ dự án được cộng đồng quốc tế tài trợ trong các lĩnh vực thực phẩm, cấp nước, y tế và nghề cá”.
Cuba phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
Ngày 30/7, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Mỹ đưa ra trước đó cùng ngày nhằm vào lực lượng Cảnh sát cách mạng quốc gia (PNR) và 2 lãnh đạo chủ chốt của đơn vị này.
Một thẩm phán liên bang tại New York đã đưa ra phán quyết cho phép Chính phủ Mỹ tịch biên tàu chở dầu M/T Courageous, hiện đang được neo tại Campuchia.
Mỹ tịch thu tàu được sử dụng để chở dầu cho Triều Tiên
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 30/7 thông báo nước này đã tịch thu một tàu chở dầu của Singapore được sử dụng để chở dầu mỏ cho Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc.
EU thông qua khuôn khổ pháp lý trừng phạt đối với Liban
Đại diện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/7 đã thông qua một khuôn khổ pháp lý áp đặt trừng phạt với những cá nhân liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban.
Theo khung pháp lý này, các cá nhân trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU, đóng băng tài sản, cấm tài trợ từ EU. Những biện pháp này nhằm giúp thúc đẩy quá trình thành lập chính phủ mới và các cải cách cần thiết tại quốc gia Trung Đông này.
Mỹ hỗ trợ điều tra vụ tàu chở dầu bị tấn công ở Biển Arab
Hải quân Mỹ đang hộ tống tàu chở dầu do công ty của một tỷ phú Israel quản lý bị tấn công ở Biển Arab, ngoài khơi bờ biển Oman, ngày 29/7 vừa qua, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ công tác điều tra.
Trong một tuyên bố ngày 31/7, Bộ Tư lệnh quân sự Mỹ phụ trách các chiến dịch quân sự ở Trung Á và Trung Đông cho biết tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ đang hộ tống tàu Mercer Street do hãng vận tải biển Zodiac Maritime có trụ sở tại London (Anh), thuộc tập đoàn Zodiac của tỷ phú doanh nhân người Israel Eyal Ofer.
WHO và các tổ chức tài chính lớn hối thúc ưu tiên vaccine cho các nước nghèo
Bốn trong số những tổ chức y tế, thương mại và tài chính lớn nhất thế giới đã đề nghị các hãng bào chế vaccine ngừa COVID-19 ưu tiên cung cấp cho các nước nghèo hơn để có nguồn lực đối phó với "tình trạng thiếu (vaccine) nghiêm trọng và đáng báo động" hiện nay.
Trong tuyên bố chung ra ngày 31/7, lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh hiện là thời điểm các nước đã tiến xa trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của mình chia sẻ nguồn vaccine cho các nước nghèo hơn.
WHO cảnh báo Campuchia đang ở thời điểm then chốt để ngăn chặn dịch
Ngày 31/7, báo Khmer Times dẫn báo cáo của WHO về diễn biến dịch COVID-19 tại Campuchia cho rằng quốc gia Đông Nam Á này đang ở thời điểm then chốt để chống dịch bệnh.
Trong báo cáo có tựa đề " Chúng ta đang chống lại các biến thể mới: Hành động ngay bây giờ để ngày mai không phải hối tiếc", đại diện của WHO tại Campuchia, bà Lý Ái Lan, đánh giá cáo quyết định của Chính phủ Campuchia về phong tỏa 8 tỉnh giáp biên giới Thái Lan và áp lệnh giới nghiêm tại các địa phương trên cả nước, coi đây là bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19, đặc biệt là biến thể Delta.
Mexico hỗ trợ Cuba chống dịch COVID-19
Ngày 30/7, tàu Libertador Bal-02 của lực lượng Hải quân Mexico đã cập cảng La Habana, mang theo 612,5 tấn hàng gồm lương thực, thuốc men và bình oxy viện trợ cho Cuba chống dịch COVID-19.
Đây là chuyến tàu viện trợ đầu tiên của Mexico gửi tới Cuba theo lệnh trực tiếp của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador. Dự kiến trong thời gian tới, một chuyến tàu chở 100.000 thùng dầu diesel cũng sẽ cập cảng La Habana nhằm giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các bệnh viện tại thủ đô của Cuba.
CDC Mỹ công bố phát hiện mới về biến thể Delta
Biến thể Delta sản sinh ra lượng virus như nhau ở những người đã tiêm vaccine và những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là kết quả một nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, công bố 30/7.
Malaysia kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia tại bang Sarawak
Hãng thông tấn Bernama ngày 31/7 đưa tin Malaysia đã kéo dài tình trạng khẩn cấp tại bang miền Đông Sarawak cho đến tháng 2/2022, theo đó sẽ hoãn các cuộc bầu cử địa phương trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Như vậy bang Sarawak là địa phương duy nhất tại Malaysia gia hạn tình trạng khẩn cấp, trong khi các địa phương khác sẽ kết thúc tình trạng khẩn cấp quốc gia từ ngày 1/8.
Forbes: Tỷ phú Ai Cập, Liban đứng đầu giới siêu giàu Arab
Theo tạp chí Forbes, Ai Cập và Liban là hai quốc gia có các tỷ phú giàu nhất thế giới Arab trong năm 2021. Báo cáo thường niên của Forbes tiết lộ tổng tài sản của các gia đình giàu có nhất thế giới Arab đã tăng từ mức 47,3 tỷ USD của năm 2020 lên 55 tỷ USD trong năm 2021.
Danh sách năm nay bao gồm 22 tỷ phú người Arab, trong đó có 10 nhân vật thuộc về 4 gia đình nổi tiếng. Họ là các gia đình Sawiris và Mansour tại Ai Cập, trong khi phía Liban là gia đình Mikati và Hariri. Tổng tài sản của 4 gia đình này ước tính lên tới 29 tỷ USD.
Lũ lụt ở Niger khiến hàng chục người thiệt mạng
Cơ quan bảo vệ người dân của Niger ngày 1/8 cho biết mưa lớn ở nước này từ tháng 6 đã làm hàng chục người thiệt mạng và trên 26.500 người rơi vào trường hợp không nhà cửa.
Thông báo của cơ quan trên cho biết có 12 người thiệt mạng do nhà đổ, người đuối nước và người thiệt mạng vì vết thương. Theo thông báo, tổng cộng có 26.352 người phải rời bỏ nhà cửa.