Ông Joe Biden cân nhắc chọn Giám đốc CIA da mu đầu tiên; Ti khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ bị xâm nhập; FDA bác khả năng vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech c thể gây liệt cơ mặt… l tin tức thế giới đáng chú ý.
Ông Joe Biden cân nhắc chọn Giám đốc CIA da màu đầu tiên
Darrel Blocker – một cựu quan chức về hưu từng có 28 năm kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) – được cho là ứng viên hàng đầu cho vị trí giám đốc cơ quan này trong chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Nếu như chính thức được đề cử và được Quốc hội thông qua, ông Blocker sẽ trở thành người da màu đầu tiên đứng đầu CIA và là người Do Thái thứ 3 đảm nhiệm vị trí này.
Ông Biden lựa chọn một phụ nữ gốc Á cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ
Tổng thống đắc cử Joe Biden dự kiến đề cử bà Katherine Tai đảm nhận vai trò Đại diện Thương mại Mỹ. Bà Katherine Tai hiện là luật sư thương mại hàng đầu thuộc đảng Dân chủ tại Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ. Nếu được thông qua, bà Katherine Tai sẽ trở thành người phụ nữ gốc châu Á đầu tiên giữ chiếc ghế Đại diện Thương mại Mỹ.
Ban chiến dịch của ông Joe Biden chi trung bình 13 USD cho mỗi lá phiếu
Sputnik dẫn số liệu được công bố trên website của Ủy ban bầu cử liên bang (FEC) cho hay ban chiến dịch của ông Joe Biden đã chi tiêu tổng cộng 1.063.053.521 USD trong khoảng thời gian từ 1/4/2019 đến 23/11/2020. Dựa trên số phiếu ông giành được trong cuộc bầu cử tổng thống hôm 3/11 là 81.271.12 phiếu, điều này có nghĩa là ban chiến dịch của ông Biden đã chi trung bình 13 USD cho mỗi phiếu bầu.
Trung Quốc trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các quan chức
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đưa ra thông báo trên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 10/12 khi trả lời câu hỏi về những biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào một số quan chức cấp cao của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc). Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc cũng quyết định rút lại lệnh miễn thị thực cho những người sở hữu hộ chiếu ngoại giao Mỹ muốn tới các Khu hành chính đặc biệt Hong Kong và Macao (Trung Quốc).
ASEAN và Nhật Bản nhất trí triển khai dự án tăng cường năng lực an ninh mạng
Ngày 10/12, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí triển khai dự án tăng cường năng lực an ninh mạng trong bối cảnh thế giới ngày càng phụ thuộc vào hình thức liên lạc trực tuyến kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
EU công bố kế hoạch khẩn cấp khi không đạt thỏa thuận với Anh về quan hệ thương mại hậu Brexit
Ngày 10/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố đã đề ra các biện pháp ứng phó trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) và Anh không đạt được thỏa thuận thương mại vào ngày 31/12 tới.
Các biện pháp này sẽ đảm bảo hoạt động đi lại hàng không và đường bộ giữa Anh và EU được thông suốt trong 6 tháng tới, nếu như Anh nhất trí. Kế hoạch này cũng giúp duy trì quyền đánh bắt cá đến cuối năm sau, khi Anh và EU cho phép các tàu vào lãnh hải của nhau. Dự kiến các biện pháp trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Chúng sẽ hết hiệu lực khi hai bên đạt được thỏa thuận hoặc sau một khoảng thời gian nhất định.
EU thiệt hại hàng chục tỷ USD do áp đặt trừng phạt Nga
Ước tính các lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Nga liên quan tới tình hình tại Ukraine từ tháng 3/2014 đã khiến nền kinh tế của liên minh thiệt hại 21 tỷ euro (khoảng 25,4 tỷ USD)/năm.
Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ bị xâm nhập
Tối 9/12, Tổng thống Trump đăng trên Twitter: “Tại sao cuộc bầu cử này không lập tức bị đảo ngược khi có tình trạng gian lận và ở đây là đảng Dân chủ? Làm thế nào một quốc gia lại được vận hành như vậy?”.
Chỉ vài phút sau đó, tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chia sẻ nội dung này của nhà lãnh đạo Mỹ khiến nhiều người sử dụng mạng xã hội quan tâm. Đại sứ quán Trung Quốc sau đó thông báo: “Tài khoản Twitter của chúng tôi bị đột nhập vào chiều nay và chúng tôi phản đối hành động này”.
Mỹ kêu gọi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trở lại đàm phán
Thứ trưởng Ngoại giao kiêm đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun ngày 10/12 kêu gọi Chủ tịch Kim Jong-un quay trở lại đối thoại, đàm phán. Thông điệp được ông Biegun đưa ra khi phát biểu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan có trụ sở ở Seoul trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc từ 8-12/12.
Israel, Maroc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ
Ngày 10/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel và Maroc đã nhất trí bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao và Maroc trở thành quốc gia thứ 4 trong thế giới Arab có bước đi này với Nhà nước Do Thái.
Quỹ Bill and Melinda Gates quyên góp 250 triệu USD chống dịch COVID-19
Quỹ Bill and Melinda Gates ngày 10/12 cho biết quỹ này đã cam kết quyên góp 250 triệu USD cho chiến dịch toàn cầu chống dịch COVID-19. Một phần của khoản tiền sẽ dùng cho việc phân phối vaccine phòng COVID-19 cho các khu vực châu Phi hạ Sahara và Nam Á.
Gần 1 triệu người ký kiến nghị WTO hủy bỏ bản quyền vaccine và thuốc điều trị COVID-19
Ngày 9/12, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho biết đã nhận một bản kiến nghị trực tuyến với 900.000 chữ ký kêu gọi hủy bỏ bản quyền vaccine phòng COVID-19 cũng như thuốc điều trị bệnh này.
FDA bác khả năng vaccine của Pfizer/BioNTech có thể gây liệt cơ mặt
Theo Daily Mail, 4 tình nguyện viên đã bị liệt cơ một bên mặt (tên khoa học là chứng "Bell's palsy") sau khi tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Tuy nhiên, các bác sĩ chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến tình trạng liệt cơ một bên mặt ở các tình nguyện viên tiêm phòng COVID-19. Trong khi đó, giới chức FDA đã bác bỏ khả năng đây là tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech, do không có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy mối liên quan giữa việc tiêm phòng COVID-19 và hiện tượng trên. FDA cũng khuyến cáo các bác sĩ cần theo dõi sát các tác dụng phụ đối với tình nguyện viên.
Canada phê duyệt vaccine của Pfizer-BioNTech
Bộ Y tế Canada ngày 9/12 đã phê duyệt vaccine COVID-19 do Pfizer Inc (Mỹ) cùng đối tác BioNTech SE (Đức) đồng phát triển, trong bối cảnh hơn 1,5 triệu dân tính trên quy mô toàn cầu đã thiệt mạng vì virus SARS-CoV-2 gây bệnh này.
Thêm một nước cấp phép sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech
Ngày 10/12, hãng thông tấn nhà nước Arab Saudi SPA dẫn một thông báo nêu rõ Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Saudi (SFDA) đã cấp phép đăng ký cho vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech tại Saudi Arabia. Do đó, giới chức y tế tại vương quốc Hồi giáo này có thể nhập khẩu và sử dụng vaccine. SFDA không nêu rõ khi nào sẽ triển khai tiêm chủng vaccine của Pfizer/BioNTech.
Mỹ có kế hoạch phân phối 2,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tuần này
Chính phủ Mỹ có kế hoạch bắt đầu phân phối 2,9 triệu liều vaccine COVID-19 sớm nhất là vào cuối tuần này, nếu vaccine do tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp.
WHO hy vọng Campuchia sẽ nhận được vaccine cho khoảng 20% dân số vào năm 2021
Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, khẳng định WHO và các đối tác đang nỗ lực hết sức để có thể mang đến nguồn vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả với giá hợp lý cho những người có nguy cơ cao và những người được ưu tiên tiêm phòng tại tất cả các quốc gia một cách nhanh nhất có thể, thông qua sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX.
Giới chức Y tế Hàn Quốc lo ngại về làn sóng dịch COVID-19 thứ 3
Giới chức y tế Hàn Quốc đang lo ngại làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 đang hình thành tại nước này khi số ca nhiễm mới ghi nhận trong 1 ngày đã lên tới con số gần 700 trong 2 ngày qua, theo đó cảnh báo làn sóng dịch bệnh này sẽ lớn hơn và kéo dài hơn.
Czech gia hạn tình trạng khẩn cấp
Các nước châu Âu như Czech, Đức và Belarus đang "gồng mình" chống dịch COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng mạnh, trong khi các nhà tổ chức Giải vô địch điền kinh thế giới thêm một lần nữa hoãn tổ chức sự kiện thể thao này.
Campuchia đóng cửa một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn
Các cơ quan chức năng Campuchia ngày 10/12 đã quyết định đóng cửa một số khu nghỉ dưỡng và khách sạn ở hai tỉnh Mondulkiri và Kratie, sau khi phát hiện các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng từ thủ đô Phnom Penh có dấu hiệu lan ra các địa phương.
WFP cảnh báo về một 'đại dịch đói' tồi tệ hơn đại dịch COVID-19
Phát biểu trong buổi lễ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo về một "đại dịch đói" cảnh báo nạn đói đang được sử dụng như một vũ khí chiến tranh và xung đột. Ông cho rằng việc không đáp ứng nhu cầu lương thực cho người dân sẽ gây ra nạn đói, thậm chí còn tồi tệ hơn cả tác động của đại dịch COVID-19.
Tài sản của các tỷ phú Mỹ tăng hơn 1.000 tỷ USD trong đại dịch COVID-19
Ngày 9/12, Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ và Chiến dịch Người Mỹ vì sự bình đẳng thuế (ATF) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khoảng thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát tại Mỹ đến nay (từ 18/3 vừa qua), khối tài sản của những người giàu ở nước này đã tăng thêm hơn 1.000 tỷ USD, làm nóng thêm cuộc tranh cãi ở nước này liên quan việc đánh thuế cao hơn đối với tầng lớp giàu có.
Mỳ ăn liền của Hàn Quốc được ưa chuộng trong dịch COVID-19
Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) công bố ngày 10/12, xuất khẩu mỳ ăn liền của nước này đã tăng hơn 30% trong 10 tháng đầu năm nay trong bối cảnh dịch COVID-19 gây tác động khắp thế giới.
Động đất cường độ 6,1 tại Đài Loan
Theo Cơ quan Thời tiết Trung ương Đài Loan, trận động đất xảy ra ngày 10/12, ở ngoài khơi bờ biển đông bắc Đài Loan (Trung Quốc) ở độ sâu 77km; tâm chấn nằm cách thủ phủ Đài Bắc khoảng 60km về phía đông nam.
Các tòa nhà ở Đài Bắc, nơi sinh sống của 2,6 triệu dân, đã rung lắc trong thời gian ngắn. Chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại đáng kể.
Cháy nơi ở của người di cư bất hợp pháp tại Tây Ban Nha, ít nhất 2 người thiệt mạng
Giới chức Tây Ban Nha ngày 10/12 cho biết xảy ra vụ cháy tại một nhà kho trong khu công nghiệp Badalona, ngoại ô thành phố Barcelona làm ít nhất 2 người thiệt mạng và 19 người bị thương.