Nhịp cầu Công lý

TP. HCM: Vướng lao lý khi giúp người nước ngoài “gom đất”

K.Lâm 21/05/20 - 09:28

Sau 5 lần điều tra bổ sung, Đỗ Tú Quân (SN 1983 - nguyên Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Cửu Long Phi) tiếp tục bị truy tố về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với cáo buộc “đã gian dối, chối bỏ trách nhiệm” đối với số tiền hơn 31,3 tỷ đồng của Công ty trong quá trình mua đất hộ cho người nước ngoài dưới dạng “chuyển nhượng cổ phần”.

Người nước ngoài rót tiền mua gần 400.000 m2 đất thông qua việc “góp vốn”

Theo Kết luận điều tra (KLĐT) của Cơ quan ANĐT Công an TP HCM và Cáo trạng của VKSND TP HCM, Công ty CP Cửu Long Phi (Cửu Long Phi - trụ sở tại TP HCM) được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 14/6/2007; Vốn điều lệ 5 tỷ đồng gồm 3 cổ đông: bà Đỗ Tú Quân làm Tổng Giám đốc và là người đại diện pháp luật; ông Đỗ Vĩnh Thành (quốc tịch Canada - cha ruột bà Quân) là Chủ tịch Hội đồng quản trị; bà Đỗ Tú Linh (chị ruột bà Quân) là cổ đông.

Chỉ hai tháng sau khi thành lập Công ty, Quân đã ký hợp đồng đầu tư kinh doanh với ông Yuen Hon Kim (quốc tịch Anh, đại diện Công ty Sun Fancy - Hồng Kông) để ông này chuyển tiền mua đất tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào Cửu Long Phi. Theo đó, do không được đứng tên mua đất nên ông Kim sẽ chuyển tiền vào tài khoản của Cửu Long Phi hoặc tài khoản của Quân để ông Thành, Tú Quân và Tú Linh thay mặt ông Kim đi mua đất.

Sau khi đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN), Quân và Linh sẽ làm thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng đất cho Cửu Long Phi và được quy ra tỷ lệ cổ phần tương ứng trên giá trị các thửa đất. Toàn bộ số cổ phần này, Quân và Linh sẽ làm thủ tục chuyển nhượng lại cho ông Kim để trừ vào số tiền mà ông này đã chuyển mua đất trước đó.

nguoi-nuoc-ngoai-mua-nha-dat-1-.jpg
Ảnh minh họa.

Với việc “chuyển vốn” mua đất theo quy trình trên, tính đến ngày 31/12/2012, các cổ đông đã góp tổng cộng hơn 178,3 tỷ đồng vốn vào Cửu Long Phi, gồm: ông Kim (Chủ tịch HĐQT) hơn 6 tỷ đồng, tương đương hơn 1,56 triệu cổ phần (chiếm 87,5% vốn); Quân (Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật) hơn 19,6 tỷ đồng, tương đương hơn 196.000 cổ phần, (chiếm 11.01% vốn, gồm tiền mặt và đất); bà Đỗ Tú Linh góp 1,7 tỷ đồng; ông Đỗ Vĩnh Thành góp 900 triệu đồng.

KLĐT và Cáo trạng xác định, đầu năm 2013, qua quá trình kiểm toán, Công ty Kiểm toán Grant Thornton phát hiện khoản chi 31,3 tỷ đồng nhưng không có chứng từ chứng minh nên đã báo cho Cửu Long Phi biết để bổ sung.

Vì Quân chưa mua được 2 lô đất (ký hiệu C.6.1 và GV.2) tại huyện Cần Giờ, TP HCM (tổng diện tích hơn 58.000m2) nên không thể hạch toán được số tiền 31,3 tỷ đồng nêu trên. Vì vậy, với sự đồng ý của Nicola Yuen Wing Sang (chị ruột ông Kim, được Kim ủy quyền thay mặt điều hành Cửu Long Phi từ tháng 04/2012), Quân đã chỉ đạo kế toán lập Phiếu chi số 017 với nội dung “chi ứng tiền thực hiện giải tỏa mặt bằng dự án trang trại nuôi yến; người nhận là Đỗ Vĩnh Thành; số tiền 31.367.753.900 đồng”. Phiếu chi được Quân ký mục “thủ trưởng đơn vị”; ông Đỗ Vĩnh Thành ký mục “người nhận tiền”....và ghi lùi ngày là 31/12/2012. Cùng với đó, Quân chỉ đạo kế toàn cập nhật phiếu chi 017 nêu trên vào sổ cái 1111, khác với sổ cái đã lập trước đó.

Do Cửu Long Phi cung cấp phiếu chi 017 nhưng không cung cấp văn bản phê duyệt của HĐQT về khoản chi nên Công ty Kiểm toán Grant Thornton đã phát hành báo cáo kết quả kiểm toán vẫn ghi nhận: Tổng giá trị tài sản của công ty tính đến 31/12/2012 là hơn 178,9 tỷ đồng, gồm giá trị quyền sử dụng đất có tổng diện tích gần 400.000 m² và tiền mặt còn tồn quỹ là hơn 31,8 tỷ đồng.

CQĐT và VKS xác định, Quân không tiến hành mua đất mà cố tình gian dối chối bỏ trách nhiệm đối với số tiền hơn 31,3 tỷ đồng. Bản thân Quân có đủ điều kiện để trả tiền nhưng vẫn cố tình không trả, mục đích để chiếm đoạt số tiền trên của Cửu Long Phi.

Mâu thuẫn về việc tồn tại số tiền 31,3 tỷ đồng trên thực tế

Từ khi bị khởi tố, bắt giam (năm 2021), Quân liên tục kêu oan khẳng định không “biển thủ” 31,3 tỷ đồng. Trong khi đó, vụ án đã có 5 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, trong đó có nhiều lần VKSND TP HCM yêu cầu CQĐT làm rõ trách nhiệm của ông Đỗ Vĩnh Thành có hành vi ký hợp thức hóa Phiếu chi số 017 với tư cách “người nhận tiền”; yêu cầu cho Quân và bà Yuen Wing Sang đối chất làm rõ ai là người chỉ đạo lập Phiếu chi số 017.

Tuy nhiên, CQĐT cho biết bà Yuen Wing Sang đang ở Úc chăm sóc chồng bị ốm nên không thể sang Việt Nam đối chất. Còn ông Thành khai nhận, việc ông này ký tên trên phiếu chi khống là để “bảo lãnh” cho Đỗ Tú Quân, bảo đảm cho Quân phải nộp lô đất 5,9ha (tương đương 31,3 tỷ đồng) cho Cửu Long Phi.

Dù CQĐT không thể tiến hành đối chất giữa bà Yuen Wing Sang và Quân để làm rõ người chỉ đạo lập Phiếu chi số 017 nhưng Luật sư (LS) Lê Vĩnh Thụy (Đoàn LS Hà Nội- bào chữa cho Quân) cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 1/2/20, ông Đỗ Vĩnh Thành đã khai rõ: bà Yuen Wing Sang là người chỉ đạo lập phiếu.

Đồng thời, qua nội dung các email trao đổi giữa bà Yuen Wing Sang với Quân và các nhân viên của Cửu Long Phi, cũng như qua lời khai của một số người thì có thể thấy, thực tế số tiền hơn 31,3 tỷ đồng sử dụng vào việc gì thì bà Yuen Wing Sang và các thành phần trong công ty đều biết. Việc lập Phiếu chi số 017 là theo chỉ đạo từ bà Yuen Wing Sang để hợp thức hóa cho khoản chi nêu trên (thậm chí bà này còn yêu cầu chỉnh sửa nội dung Phiếu chi theo ý mình và cho biết “tôi đến Việt Nam sẽ hẹn anh Sơn (tức Đỗ Vĩnh Thành) để ký lại”.

Vì vậy, LS Thụy cho rằng, có chứng cứ thể hiện số tiền hơn 31,3 tỷ không phải do Quân chiếm đoạt vì đây là khoản tiền không có thật, được nâng khống để nhằm thể hiện công ty có lãi.

Đồng tình với đánh giá này, một số LS cũng cho rằng, có nhiều chứng cứ thể hiện khoản tiền mặt 31,3 tỷ đồng là không có thật. CQĐT xác định, từ tháng 12/2007 đến tháng 12/2012, ông Kim đã chuyển tổng cộng hơn 6 tỷ đồng để nhờ Quân, Linh và ông Thành mua đất. Đồng thời, Sổ cổ đông cũng ghi nhận vào thời điểm 31/12/2012, ông Kim sở hữu hơn 1,56 triệu cổ phần, trị giá hơn 6 tỷ đồng (chiếm 87,5% vốn Công ty).

Trong khi đó, theo quy trình mà ông Kim và các cổ đông thỏa thuận thì ông Kim chỉ làm thủ tục nhận chuyển nhượng cổ phần tại Cửu Long Phi sau khi Quân, Linh đã mua xong đất và đất này được chuyển thành tài sản của Cửu Long Phi. Khi đất dự án được xác nhận phù hợp thì các cổ đông sẽ yêu cầu sự chấp thuận bằng văn bản của ông Kim trước khi tiếp tục mua đất.

Với thỏa thuận trên thì có thể thấy, Quân, Linh đã mua đủ đất, chuyển đủ cổ phần cho ông Kim vì nếu Quân, Linh chuyển thiếu đất hoặc thiếu cổ phần thì các bên sẽ không thể “chốt” với nhau về việc ông Kim được sở hữu hơn 1,56 triệu cổ phần, tương đương 6 tỷ đồng đã chuyển để mua đất trước đó.

Còn nếu cho rằng khoản tiền 31,3 tỷ đồng là có thật và khoản này dùng để mua 5,9 ha đất, CQĐT cần chứng minh rõ số tiền này đã được ông Kim chuyển cho Cửu Long Phi bằng những giao dịch cụ thể nào, có thông qua Hội đồng cổ đông ở Thâm Quyến (Trung Quốc) hay không; có được các thành viên Hội đồng cổ đông này góp tiền để ông Kim chuyển về Việt Nam; Cổ phần của ông Kim có dừng lại ở 6 tỷ hay phải tính cả giá trị của lô đất 5,9 ha?

Một số LS còn nêu quan điểm, một dấu hiệu bắt buộc của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là phải có sự giao nhận tài sản (tiền) thông qua một giao dịch hoặc một hợp đồng hợp pháp và ngay thẳng. Vì vậy, trong vụ việc này, cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ việc ông Kim đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua đất ở Việt Nam (trong đó có khoản 31,3 tỷ đồng mà Quân bị cáo buộc chiếm đoạt) thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên có đúng quy định, hoặc có bị pháp luật Việt Nam cấm hay không. Có làm rõ được điều này mới đảm bảo xử lý toàn diện vụ án, không làm oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Vướng lao lý khi giúp người nước ngoi “gom đất”