Ngày 25/7, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Huế, kết quả xét nghiệm mẫu phẩm lấy từ trang trại chăn nuôi lợn của ông Cao Viết Hùng (trú tại thôn 9, xã Nam Đông, TP Huế) cho thấy dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi.
Trước đó, xã Nam Đông (xã mới sáp nhập từ các xã Hương Sơn, Hương Xuân, Thượng Nhật thuộc huyện Phú Lộc cũ) ghi nhận tình trạng lợn chết bất thường với tổng số hơn 200 con. Riêng hộ ông Hùng ghi nhận gần 2 tấn lợn chết, gây thiệt hại ước tính khoảng 0 triệu đồng.
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, trang trại còn 25 con lợn, trong đó 14 con đã chết. Để ngăn chặn dịch lây lan, toàn bộ số lợn còn lại đã được tiêu hủy.
Đây là ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên được phát hiện trên địa bàn TP. Huế trong năm 2025. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp khoanh vùng, tiêu độc khử trùng và xử lý dứt điểm ổ dịch.
Theo thống kê, toàn xã Nam Đông hiện có khoảng 1.200 con lợn, trong đó đã tiêm vaccine tam liên cho 790 con, đạt tỷ lệ 84%. Để kiểm soát tình hình, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Huế đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân không giấu dịch, không giết mổ, buôn bán lợn bệnh.
Ngoài xã Nam Đông, tình trạng lợn chết rải rác cũng được ghi nhận tại một số địa phương khác như phường An Cựu (trước đây là phường An Đông).
Bên cạnh đó, hàng chục người dân trên địa bàn mắc liên cầu khuẩn lợn thời gian gần đây đã khiến dư luận lo lắng, dẫn đến tâm lý e ngại trong tiêu dùng thịt lợn.
Việc người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động buôn bán và dịch vụ ăn uống tại TP. Huế. Nhiều quầy thịt lợn tại các chợ truyền thống rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí ngưng kinh doanh do không bán được hàng.
Một số nhà hàng, quán ăn đã chủ động thay đổi thực đơn, chuyển từ các món có thịt lợn sang thịt bò, thịt gà, vịt hoặc hải sản để phục vụ nhu cầu thực khách.