Sáng 29/2, tại Công viên biển Hà Khê (đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), diễn ra Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 20.
Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung bộ và Nam bộ Việt Nam.
Lễ hội Cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông ở làng biển Thanh Khê, ra đời và phát triển dựa trên những tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và lịch sử văn hóa tâm linh của vùng đất, phản ánh sinh hoạt của ngư dân làng chài Thanh Khê.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, vừa cầu mùa - cầu ngư, tế ngư thần, vừa cầu cho được một năm “Trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang”.
Mỗi năm, lễ hội Cầu Ngư Thanh Khê diễn ra để kính nhớ những vị tiền bối đã khai phá và xây dựng nên làng chài. Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời của quận Thanh Khê, là một sản phẩm đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung bộ và Nam bộ Việt Nam.
Lễ hội Cầu ngư không chỉ là nét đặc trưng của văn hóa dân gian độc đáo, mà còn là nơi quan trọng để bảo tồn và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa của các ngư dân ven biển Việt Nam. Qua lễ hội này, chúng ta không chỉ được chứng kiến sự kết hợp giữa nghệ thuật, truyền thống và cuộc sống của ngư dân, mà còn nhận thức được giá trị sâu sắc của biển cả đối với đất nước và con người.
Đồng thời, lễ hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật những nét đẹp văn hóa biển của Việt Nam với thế giới. Đây không chỉ là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống, mà còn là dịp để tôn vinh và kế thừa những giá trị văn hóa của tổ tiên, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên biển cả.
Lễ hội cũng là nguồn tài liệu quý báu, là minh chứng sống về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và kinh nghiệm quản lý, ứng xử với biển đảo của các thế hệ qua.
Những bài học từ lịch sử và truyền thống sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng chiến lược bảo vệ biển đảo, thúc đẩy phát triển bền vững của ngành ngư nghiệp và du lịch biển.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê Nguyễn Hữu Công, Trưởng ban Tổ chức lễ hội khẳng định, Lễ hội Cầu ngư quận Thanh Khê có tính truyền thống, tồn tại lâu dài trong tiềm thức của ngư dân vùng biển, được trao truyền qua nhiều thế hệ, đã tiếp nhận tâm lý, đời sống sinh hoạt, tư tưởng văn hóa, nghệ thuật dân gian, tạo thành bản sắc riêng của đời sống tinh thần người dân Thanh Khê. Lễ tế cáo trời đất với ước muốn mưa thuận gió hòa cho ngư dân đi biển, tế ngư thần xin được mùa biển bội thu; mong cầu một cuộc sống no ấm, hạnh phúc, bình an và yên vui...
Trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ 27 đến 29/2/20), ngoài phần lễ còn diễn ra nhiều hoạt động phần hội được tổ chức đan xen, thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân vùng biển.
Từ sáng sớm, nghi lễ rước Nghinh thần diễn ra trang trọng tại công viên biển Hà Khê dưới sự chủ lễ các cụ cao niên trong quận Thanh Khê. Nhiều người dân địa phương trong trang phục truyền thống áo dài và khăn đóng, với đoàn hát bả trạo, đội kèn, trống và đội cờ cùng nhau tham gia vào đoàn rước kiệu Nghinh thần từ bờ biển về khu vực tổ chức lễ.
Tại lễ tế chính, các vị trưởng lễ cùng đại diện chính quyền địa phương và người dân đã cùng nhau dâng hương kính cẩn trước các chư thần, mong ước được bình an và thuận lợi trong cuộc sống, cầu mong cho mùa ngư bội thu và hòa bình trên biển cả.
Ông Lê Văn Lễ - một trong các bô lão chính, chia sẻ: “Lễ hội được quận Thanh Khê tổ chức được 11 năm, điều này cho thấy được tầm quan trọng của ngư dân đánh bắt trên biển. Nơi nào có ngư dân thì nơi đó có lễ hội Cầu ngư. Lễ Cầu ngư có ý nghĩa quan trọng cho ngư dân đi biển, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm được mùa. Qua lễ hội này, chúng tôi cũng mong thế hệ con cháu noi theo và tiếp tục gìn giữ nét đẹp truyền thống này”.
Phần hội được tổ chức đan xen nhiều hoạt động thi sôi nổi, đặc sắc mang đậm tính dân gian của làng chài như: các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với cư dân vùng biển như: Hô hội bài chòi, hát tuồng, thi dân vũ, flashmod, vẽ tranh, đan lưới, ẩm thực, chưng mâm ngũ quả, trò chơi gánh cá…; các trò chơi vận động trên bờ biển (gánh cá, cà kheo, đẩy gậy, ngoáy thúng ngoài biển, kéo co, Kabbaddi); các môn thi đấu thể thao (Bóng đá bãi biển, kabaddi, đẩy gậy, kéo co, thi ngoáy thúng, cà kheo, thi ngoáy thúng trên sông Phú Lộc); hoạt động thuyền buồm, thuyền sup…
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trưng bày các gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng, trưng bày mô hình nghề biển, sản phẩm đặc trưng vùng biển, trưng bày mô hình, hình ảnh về “Hoàng Sa, Trường Sa”, các gian hàng ẩm thực.
Một số hình ảnh trong Lễ hội Cầu ngư: