Vào sáng nay (7/8), những bước chuẩn bị cuối cùng trước khi vận hành chính thức phục vụ người dân của đoạn trên cao của tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã diễn ra. Phóng viên Báo Công lý đã có dịp trải nghiệm trên chuyến tàu chạy thử từ Nhổn đến ga Cầu Giấy trước khi vận hành khai thác thương mại.
Theo đó, tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành đoạn trên cao và chuẩn bị chính thức khai thác thương mại.
Trong sáng ngày 7/8, công tác vệ sinh được thực hiện tại tất cả các nhà ga, sẵn sàng đón khách.
Là đơn vị sẽ quản lý, khai thác và vận hành tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - ga Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (HMC) cho biết, đến nay, 353 lái tàu đã được đào tạo và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến, dưới sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Theo thiết kế kỹ thuật, tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. HMC dự kiến vận hành 4-6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Dự kiến trong ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày .000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000-12.000 đồng.
Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, khách mua vé lượt sẽ được cấp vé dạng hình tròn, giống như đồng xu. Khi qua cửa soát vé, dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
“Trước mắt, đoạn tuyến trên cao của Metro Nhổn-Ga Hà Nội sẽ áp dụng đơn giá định mức tạm tính cả về vé và bảo trì, vận hành như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Đến nay toàn bộ công tác chuẩn bị về nhân sự, quy trình vận hành đã đầy đủ,” ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc HMC cho biết.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội hoàn thiện. Theo đó, dọc trục tuyến metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động.
Hai điểm trung chuyển (Cầu Giấy và Nhổn) có 32 điểm dừng xe buýt (16 điểm có nhà chờ). Hiện 8 ga kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m.
Đặc biệt, 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, đủ khả năng đáp ứng khoảng -30% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Khu vực nhà ga tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có thiết kế rộng rãi, thoáng đãng và có nhiều ô thoáng để lấy ánh sáng tự nhiên.
Trong nhà ga có thiết kế làn đi riêng dành cho người khiếm thị, có thang máy dành riêng cho người khuyết tật. Khu vực chờ tàu trên các nhà ga được gắn đầy đủ các bảng thông tin về chuyến tàu.
Ngay khi bước vào bên trong khoang tàu, cảm giác rất thoải mái bởi không gian rộng rãi, sạch sẽ, màu sắc hiện đại, trẻ trung.
Tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn-Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng. Với chủ đề “Hành trình xanh”, đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng.
Được biết, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.
Tàu được trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như: Hệ thống điều hòa không khí, thông gió; Hệ thống loa, camera trong và phía trước tàu, màn hình LCD bên sườn toa tàu và cạnh cửa ra vào. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.
Dự án tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết triệt để vấn đề ách tắc giao thông tại Hà Nội.
Một số hình ảnh vào sáng ngày 7/8 tại tuyến ĐSĐT đoạn Nhổn - ga Hà Nội:
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-Ga Hà Nội) dài 4km.
Lộ trình của tuyến: điểm đầu Nhổn-theo Quốc lộ 32-Cầu Diễn-Mai Dịch-nút giao với đường Vành đai 3-Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2)-Kim Mã-Cát Linh-Quốc Tử Giám-điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Đường sắt khổ đôi 1.435mm, ray/ghi tiêu chuẩn châu Âu; hệ thống nhà ga gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12), trong đó có 2 ga kết nối trung chuyển; chiều dài đoàn tàu 78,3m (4 toa); khu Depot diện tích ,05ha, đặt tại các phường Tây Tựu và Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.