Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/20), Báo Công lý xin gửi đến bạn đọc loạt bài “Huyền thoại Điện Biên: “Cánh cửa thép Him Lam” và ký ức của vị trung đội trưởng quân báo.”
VÀI DÒNG VỀ ÔNG NGUYỄN TỬ LAN TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
1-Với vai trò là một Trung đội trưởng quân báo của Trung đoàn 141 - Đại đoàn 312, ông Nguyễn Tử Lan đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình bằng những thành tích trong việc cùng với trung đội của mình bắt sống thiếu úy Jacques của quân viễn chính Pháp và lấy lời khai, đây là một chiến tích quan trọng giúp việc lên phương án chính xác cho trận đánh mở màn ở Trung tâm đề kháng Him Lam.
2 - Bằng sự mưu trí, bản lĩnh và dũng cảm của mình ông Nguyễn Tử Lan cùng đồng đội đã tiếp cận các cứ điểm, nắm bắt được thời điểm các sĩ quan chỉ huy Pháp tập trung giao ban tại hầm chỉ huy ở Trung tâm đề kháng Him Lam vào lúc 17 giờ hàng ngày, thông tin này đã giúp cho việc quyết định thời điểm nổ súng tấn công hiệu quả nhất, hạn chế tối đa thương vong và nhanh chóng dành thắng lợi của các cuộc tấn công.
3 - Do thành thạo tiếng Pháp, sau mỗi trận đánh ông Lan được giao trọng trách điều hành, khai thác và quản lý tù binh, đây là một công việc hết sức khó khăn, vất vả, đòi hỏi nhiều kỹ năng và mưu lược, là một nhiệm vụ đặc biệt mà ông Lan là một trong số rất ít người phải tiếp tục thực hiện sau khi chiến trường đã im tiếng súng.
4 - Khi kết thúc chiến dịch ông lại trở thành người thầy trang bị kiến thức cho những người đồng đội của mình. Với nhiệm vụ giảng dạy trong quân đội, ông đã góp phần giúp những người lính có đủ kiến thức và điều kiện để tham gia khóa sĩ quan đầu tiên ở trường sĩ quan lục quân, góp phần kiện toàn bộ máy tổ chức và tinh nhuệ hóa quân đội.
“Một trận chiến được ghi vài dòng trong sử sách, vốn được viết nên bởi hàng vạn giọt máu tươi”.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, một trong những trận đánh khó khăn, và cũng mang ý nghĩa quyết định chính là cuộc tấn công mở màn chiến dịch vào cụm cứ điểm Him Lam, cuộc tấn công ấy đã khiến Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 của Pháp thất bại.
Theo ghi chép, trong số lực lượng Pháp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ nổi tiếng nhất có lẽ là Bán Lữ đoàn Lê dương số 13, đơn vị lính đánh thuê chuyên nghiệp, tinh nhuệ bậc nhất trong hàng ngũ quân đội Pháp có mặt ở Đông Dương. Điều đáng nói, với việc lập được nhiều thành tích trước đó trong chiến tranh thế giới, Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 là sự củng cố không thể chắc chắn hơn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lại thất thủ một cách nhanh chóng và không hoàn thành mục tiêu như mong đợi.
Những chiến sĩ Đại đoàn 312 vốn là “sinh viên, trí thức mặc chiến bào” ra trận nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của tướng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312 đã có thể chiến thắng được cụm cứ điểm cực kỳ quan trọng được ví như "cánh cửa thép" của quân viễn chính Pháp. Báo Công lý xin được trích lại câu chuyện từ những trang hồi ức của tướng Lê Trọng Tấn và “tốc ký” của ông Nguyễn Tử Lan ở Điện Biên Phủ:
Đợi khi màn đêm buông xuống, một nhóm chiến sĩ được phân công bí mật tiến sát cứ điểm đầu tiên của cụm cứ điểm Him Lam, Trung đoàn 141 được phân công đánh hướng chính là cứ điểm một và cứ điểm hai (khó khăn nhất vì trong đó có cứ điểm một là cứ điểm của chỉ huy sở quân đội Pháp) dàn thành đội hình cái phễu, bí mật tiến về phía địch. Nhiệm vụ của nhóm là chờ quân Pháp đi phục về bắt sống vài tên, bằng mọi cách bắt cho được viên chỉ huy. Đi như thế không lo vấp mìn, đánh như thế cũng không sợ hỏa lực địch bắn thẳng vào. Bởi vì đường đi của lính đi phục, đường về và thời gian về của chúng đều nằm trong kế hoạch hiệp đồng rồi. Đó là chiến thuật sử dụng chính kế hoạch bài bản của địch để phản lại chúng.
Trung đoàn 141 được thành lập năm 1950 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, cần có những Trung đoàn chủ lực, đột phá, là chỗ dựa vững chắc cho chiến tranh nhân dân. Ngày 11-12-1950 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra Quyết định thành lập Trung đoàn 141.
Sau khi được thành lập, đội hình chiến đấu của trung đoàn đã có nhiều thành tích quan trọng trên các chiến trường Việt Bắc, chiến trường Tây bắc tạo tiền đề cho sự ra đời của Đại đoàn 312, Trung đoàn 141 là một đơn vị tinh nhuệ, đặc biệt là lực lượng trinh sát, quân báo, trước mỗi trận đánh đơn vị luôn có các kế hoạch dự phòng, kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý các diễn biến phát sinh trong thực tiễn chiến đấu.
Sau đó, tướng Lê Trọng Tấn giao nhiệm vụ cho Trung đội quân báo trong ba ngày phải hoàn thành nhiệm vụ này. Đúng ba ngày sau, Trung đội trưởng đã dẫn lên Sở chỉ huy một tên thiếu úy tù binh. Từ lời khai của tù binh, quân ta nắm được địa thế, địa hình, cách bố trí hỏa lực của địch. Từ những thông tin có được, Đại đoàn 312 đã lên kế hoạch chi tiết cho trận tấn công lịch sử này.
Trung tâm đề kháng Him Lam theo cách gọi của Việt Minh do nó ở gần với ngôi làng có cùng tên, quân Pháp gọi là Besatrice, sẽ là cụm cứ điểm diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch. Đây là cụm cứ điểm phía Đông Bắc với những ngọn đồi dẫn ra tỉnh lộ 41 từ Tuần Giáo vào, được coi là vị trí “đầu sóng ngọn gió” nhằm đỡ đòn cho trung tâm Mường Thanh.
Quân Pháp cũng dự kiến đây là hướng tiến công chính của quân ta, nên đã bố trí Tiểu đoàn số 3 là lực lượng thiện chiến nhất của Bán Lữ đoàn Lê dương số 13 đóng giữ, trong lịch sử quân đội Pháp đơn vị này là một đơn vị có truyền thống đã gần 100 năm. Vị trí xây dựng kiên cố vào bậc nhất, đơn vị chiếm giữ lại là đơn vị thiện chiến hàng đầu. Vì thế mà De Castries cũng như các cấp trên của ông ta, từ Cogny đến Nava đều tin rằng Him Lam có đủ sức đương đầu với mọi giông tố.
Phía quân ta, để đánh chắc thắng, Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao trọng trách cho Đại đoàn 312, trong đó Trung đoàn 141 là lực lượng chủ yếu. Đến 17 giờ 05 phút ngày 13/03/1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Trong cuốn “Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ”, thiếu tá quân y Pon Grouyn đã gọi “đó là những cú bắn bậc thầy”.
Quân lệnh như sơn. Người chỉ huy luôn tuân thủ kỷ luật thép của quân đội. Khi nhận lệnh “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, đồng chí Lê Trọng Tấn nghiêm túc chấp hành nhưng sự tuân lệnh của ông không giấu được sự lo lắng trước những khó khăn: “Chúng tôi phải liên tục đột phá ba phòng tuyến mới tới phía bên trong được”, câu nói trên khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh Chiến dịch phải suy nghĩ và nó góp phần không nhỏ vào củng cố quyết tâm của Đại tướng đưa đến quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm bảo đảm cho những thắng lợi sau này.
Chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đáp ứng những băn khoăn, trăn trở, phù hợp với những tư tưởng chủ đạo của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 Lê Trọng Tấn. Cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn 312 luôn nhớ câu nói thường xuyên của ông trước khi vào trận: “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”.
Do biết được thông tin trước trận đánh mà Trung đội trưởng Nguyễn Tử Lan báo về hàng ngày, cứ 17 giờ các sĩ quan chỉ huy Pháp đều đến hầm chỉ huy của Him Lam để giao ban, báo cáo tình hình, nghe thông báo và nhận chỉ thị mới. Nhận định quân ta chưa tấn công vào ngày 13, là con số không may mắn nên cuộc giao ban hôm đó vẫn bắt đầu từ 17 giờ như thường lệ và kết cục là sau 17 giờ 05 phút, ngay loạt đạn đầu tiên của Trung đoàn 141, nhiều phát đạn pháo 105 đã “trúng điểm đen” phá vỡ nóc hầm, khiến các sĩ quan chỉ huy quân đội Pháp ở Him Lam chết ngay tại chỗ, trong đó có Trung tá Gaucher chỉ huy phân khu trung tâm, đồn trưởng Pégot và đồn phó Paedi cùng với trung úy Lungier…
Chưa bao giờ quân Pháp phải nếm những đòn dữ dội đến vậy. Không riêng trung tâm đề kháng Him Lam mà toàn bộ cụm cứ điểm cùng rung lên dưới các đợt oanh kích của Đại đoàn 312.
22 giờ 30 phút, việc chọc thủng phòng ngự đã hoàn tất, các chiến sĩ của Đại đoàn 312 đã phá toang cửa tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cụm cứ điểm Him Lam khi mọi thứ kết thúc lúc 0 giờ 30 phút rạng sáng ngày 14/03.
Sau 07 giờ giao tranh, tiếng ầm ầm của vũ khí đã nhường chỗ cho sự im lặng lạ kỳ, khắc sâu trong ký ức của những người tham gia trận đánh hôm đó.
Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam và tịch thu được toàn bộ vũ khí, trang bị của địch. Đại đoàn 312 đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân Pháp, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công tiếp theo là đồi Độc Lập (Gabrielle) và bản Kéo (Anne Marie) .
Tiêu diệt được cứ điểm Him Lam đã tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với quân và dân ta tại tất cả các đơn vị, trên tất cả các mặt trận; thất bại ở Him Lam là một tai họa chiến tranh chưa từng xảy ra trong lịch sử xâm lược của quân viễn chinh Pháp. Việc tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này không phải là “bất khả thi” như phía quân Pháp thường tuyên bố và việc bắt sống De Castries cùng toàn Bộ chỉ huy của Quân đội Pháp sẽ là quyết tâm lớn nhất trong trận công kiên lớn nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam lúc này.
Với thành tích tấn công tận sào huyệt của địch và bắt sống tướng De Castries trong trận thắng cuối cùng vào 17h30 phút ngày 07 tháng 05 năm 1954. Đại đoàn 312 đã được nhận cờ “Quyết chiến quyết thắng” của chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. Tướng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng là người được vinh dự báo tin Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Mặt trời Hòa bình rạng rỡ của Việt Nam hôm nay đã mọc lên từ khói lửa Điên Biên Phủ, câu ca dao xưa của người Thái ở Điện Biên vẫn ngân lên ca ngợi núi sông hùng tráng của chiến trường này:
Pú Hồng Mèo là quê hương của ánh sáng
Pú Tá Cọ là giường chiếu của mặt trời.
(Pú Hồng Mèo và Pú Tá Cọ là những dãy núi thân yêu ôm lấy cánh đồng Mường Thanh tràn ngập ánh Ban Mai trong ngày vui chiến thắng.)
Buổi chiều lịch sử 7/5/1954, bộ đội ta đã vượt qua cây cầu bắc qua sông Nậm Rốm, tiến vào giải phóng khu trung tâm, kết thúc Chiến dịch lịch sử. Đến nay, sau 70 năm, cầu Mường Thanh, vẫn giữ dáng hình xưa như một lát cắt của lịch sử bắc ngang dòng Nậm Rốm.
Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi nhận những chiến công mang yếu tố quyết định của các chiến sĩ Đại đoàn 312 ở Him Lam, Độc Lập, Mường Thanh... Đó là nhờ vào việc tổ chức quân đội, sự phân công nhiệm vụ hợp lý, khai thác tối đa mặt mạnh của từng cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Tử Lan.
Ông Nguyễn Tử Lan với những dấu ấn như: Được Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn phát hiện và khai thác những điểm mạnh trong vai trò Trung đội trưởng trung đội quân báo; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trinh sát, cùng đồng đội bắt sống thiếu úy Jacques và lấy lời khai, từ đó nắm được địa hình, chiến thuật của quân Pháp góp phần cho việc lên phương án chính xác trận đánh mở màn ở trung tâm đề kháng Him Lam.
Bằng sự mưu trí, bản lĩnh và dũng cảm của mình ông Lan cùng đồng đội đã tiếp cận được tận nơi, sát hàng rào của các cứ điểm, thông qua đó nắm bắt được thời điểm các sĩ quan chỉ huy Pháp tập trung giao ban tại hầm chỉ huy ở Trung tâm đề kháng Him Lam vào 17 giờ hàng ngày, thông tin này góp phần vào việc đưa ra quyết định thời điểm nổ súng tấn công hiệu quả của Bộ chỉ huy chiến dịch, hạn chế tối đa thương vong và nhanh chóng dành thắng lợi.
Do thành thạo tiếng Pháp, sau mỗi trận đánh ông Lan còn được giao trọng trách quản lý các tù binh Pháp, truyền thông để họ phải "tâm phục, khẩu phục" chiến thắng của quân đội ta, tổ chức nhiệm vụ nhân đạo chăm sóc, cứu chữa cho các tù binh bị thương; ngày trao trả tù binh ở sân bay Mường Thanh họ xiết chặt tay các chiến sĩ Việt Minh trong niềm xúc động, đầy lòng biết ơn và mãi mãi sau này khi về nước trong ký ức của những cựu binh Pháp đó là những đặc ân của quân đội Việt Nam dành cho họ.
Lâm Thanh - Thanh Trà
Trình bày: Thanh Trà