Kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố. Vĩnh Phúc là địa phương có điểm số cao nhất trong 63 tỉnh, thành, tiếp đó là Tiền Giang và TP Hồ Chí Minh.
Theo kết quả công bố của Thanh tra Chính phủ, năm 2022, điểm trung bình phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA 2022) đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021 (62,12 điểm), cao hơn 2,2 điểm so với năm 2020 (63,86 điểm), đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2016 đến nay.
Có địa phương đạt từ 70 điểm trở lên, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh đứng đầu toàn quốc (đạt 77,95 điểm), Tiền Giang xếp thứ hai (đạt 77,72 điểm), và TP Hồ Chí Minh xếp hạng thứ ba (đạt 77,28 điểm). Tiếp sau là các địa phương gồm Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La.
Trong khi đó, một số địa phương kết quả đánh giá công tác PCTN vẫn nằm trong nhóm có thứ hạng thấp như: Phú Yên (năm 2022 đạt 50,02 điểm xếp thứ 63/63, năm 2021 đạt 53,67 điểm xếp thứ 56/63); Cao Bằng (năm 2022 đạt 54,78 điểm xếp thứ 61/63, năm 2021 đạt 53,22 điểm xếp thứ 57/63); Yên Bái (năm 2022 đạt 56,94 điểm xếp thứ 59/63, năm 2021 đạt 52,11 điểm xếp thứ 58/63); Lai Châu (năm 2022 đạt 59,27 điểm xếp thứ 57/63, năm 2021 đạt 50,10 điểm xếp thứ 62/63)...
Kết quả PACA 2022 cho biết, điểm trung bình nội dung phát hiện và xử lý tham nhũng năm 2022 đạt 19,91/40 điểm, tương đương đạt 49,77% yêu cầu. Điểm năm 2022 tuy cao hơn hơn năm 2021 (đạt 46,95% yêu cầu), nhưng vẫn thấp hơn năm 2020 (đạt 52,91% yêu cầu).
Trong công tác phát hiện hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đánh giá, hiệu quả tốt nhất là qua công tác điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2022 đạt tới 88,75% yêu cầu (đây là kênh phát hiện chủ yếu, đồng thời có sự tiến triển so với năm 2021 (đạt 85,94% yêu cầu).
Việc phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát vẫn còn khá thấp (chỉ đạt 6% so với yêu cầu), giảm nhẹ với năm 2021 (đạt 12,19% so với yêu cầu). Điều này không có nghĩa nỗ lực của địa phương qua công tác này giảm, vì không hẳn cứ sau mỗi cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ phát hiện hành vi tham nhũng.
Kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng năm 2022 cũng được đánh giá là có sự tiến triển so với năm 2021.
Cụ thể, điểm trung bình của tiêu chí xử lý trách nhiệm người đứng đầu năm 2022 đạt 3,52 điểm trên thang điểm 7,5, cao hơn so với điểm trung bình năm 2021 (đạt 2,56 điểm trên thang điểm 7,5).
Tuy điểm trung bình đạt ở mức 46,92% chưa cao, nhưng cả 3 hình thức xử lý đều đạt ở mức tương đương nhau (khiển trách đạt 50,50%, cảnh cáo đạt 42,06% và cách chức đạt 48,21%).
Điều đó có nghĩa các địa phương đã nghiêm túc trong việc xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Đồng thời cũng cho thấy sự nghiêm khắc khi hình thức xử lý cao nhất (cách chức) tương đương với hình thức khiển trách và cảnh cáo.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018.
Năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 (với 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất). Trong bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022), cho thấy những nỗ lực, sự quyết tâm mạnh mẽ và hiệu quả thực tế của công tác PCTN trong nước năm qua.