Với sự đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng lòng từ phía doanh nghiệp, nhân dân góp phần làm nên bức tranh sáng trong phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) của tỉnh Vĩnh Phúc 10 tháng đầu năm 2023.
Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, số vốn FDI tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI tăng hơp gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt hơn bốn lần so với kế hoạch năm.
Qua10 tháng đầu năm 2023 tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút đầu tư đạt gần 558 triệu USD vốn đầu tư FDI, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 34,82% và đạt 139,4% kế hoạch. Đồng thời, thu hút đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 2,5% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,26 lần so với kế hoạch năm 2023. Các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc vẫn chiến tỷ trọng lớn. Đặc biệt, vốn đầu tư của Đài Loan tăng mạnh đạt 176,16 triệu USD, chiếm 31,59% tổng vốn đăng ký.
Sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động mà còn tạo ra “làn sóng” đầu tư mới cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Tính đến trung tuần tháng 10/2023, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.6 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường là 318 doanh nghiệp (cùng kỳ năm 2022 là 364 doanh nghiệp).
Sản xuất công nghiệp tháng 10 năm 2023 khả quan hơn so với tháng trước nhưng nhìn chung vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10 ước tăng 8,02% so với tháng trước và tính chung 10 tháng giảm 2,07% so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết sản lượng sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh 10 tháng đầu năm đều giảm so với cùng kỳ như thức ăn gia súc giảm 5,63%; giày thể thao giảm 17,59%; gạch ốp lát giảm 26,17%; xe ô tô các loại giảm 25,84%; xe máy các loại giảm 9,20%; riêng doanh thu linh kiện điện tử tăng 5,87% nhưng đây là mức tăng thấp nhất của 10 tháng đầu năm giai đoạn 2019 - 2023.
Đối với thương mại và dịch vụ, trong tháng 10/2023, thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì sự ổn định và đa dạng về sản phẩm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2023 ước tăng 2,2% so với tháng 9/2023 và tăng 11,11% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,65% so với cùng kỳ. Hoạt động giao thông vận tải đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh; đặc biệt, 06 tuyến xe buýt đã tái khởi động sau hơn một năm tạm ngừng, giúp cải thiện đi lại cho người dân; doanh thu toàn ngành ước đạt 572,1 tỷ đồng, tăng ,92% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng đầu năm doanh thu vận tải ước đạt 4.992,8 tỷ đồng, tăng 18,47% so với cùng kỳ.
10 tháng đầu năm 2023 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 21.800 tỷ đồng, bằng 67,3% dự toán và bằng 84,3% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa 17.900 tỷ đồng, đạt 65,3% dự toán, bằng 85,2% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương, ước đạt 14.699 tỷ đồng, đạt 76,2% dự toán, bằng 142,7% so với cùng kỳ.
Những tháng cuối năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành tập trung thực hiện quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất mở rộng sản xuất, sử dụng hết năng lực hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh… Đồng thời, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội.
Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh.