Ngy 31/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa vắc xin Covid-19 của Pfizer v BioNTech vo danh sách để sử dụng khẩn cấp nhằm tăng tốc độ tiếp cận vắc xin ở các nước đang phát triển.
Trên trang chính thức của mình, trong ngày cuối cùng của năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới thông tin họ đã cấp phép cho vắc xin ngừa Covid-19 khẩn cấp đầu tiên trên thế giới. Ứng cử viên được nhận phê duyệt là mRNA Comirnaty Covid-19 do hai công ty Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất.
Sự kiện này được đánh giá là bước ngoặt trong công cuộc phòng, chống Covid-19, mở đường cho các quốc gia trên toàn thế giới nhanh chóng chấp thuận nhập khẩu và phân phối vắc xin trên.
Tại Anh, chính phủ khởi động đợt tiêm chủng vắc xin của Pfizer/BioNTech với quy mô lớn vào ngày 8/12. Theo sau đó là Mỹ, Canada và các nước tại Liên minh châu Âu.
Đánh giá của WHO cho thấy vaccine của Pfizer và BioNTech đáp ứng các tiêu chí “phải có” về lợi ích an toàn và hiệu quả của vắc xin cao hơn rủi ro.
Bà Mariangela Simao, người đứng đầu chương trình tiếp cận thuốc và vắc xin của WHO cho biết: “Đây là một bước đi rất tích cực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận toàn cầu đối với vắc xin Covid-19”.
“Nhưng tôi muốn nhấn mạnh sự cần thiết của một nỗ lực toàn cầu lớn hơn nữa để đạt được nguồn cung cấp vắc xin đủ đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân cư ưu tiên ở khắp mọi nơi”, bà nói thêm.
Vắc xin mRNA Comirnaty Covid-19 yêu cầu bảo quản bằng dây chuyền siêu lạnh, ở nhiệt độ từ -60 độ C đến -90 độ C. Yêu cầu này khiến vắc xin khó triển khai hơn ở những nơi không có sẵn thiết bị bảo quản lạnh. Vì thế, WHO đang nỗ lực hỗ trợ các quốc gia đánh giá kế hoạch giao hàng, chuẩn bị đưa vào sử dụng nếu có thể.
Đầu tháng này, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt vắc xin Pfizer. Ban cố vấn của FDA vào thời điểm đó đã công bố các tài liệu, cho biết vắc xin này có hiệu quả cao (khoảng 95%) trong việc ngăn chặn virus SARS-CoV-2.
Sau khi được phê duyệt, vắc xin của Pfizer đã được triển khai và sử dụng cho những cá nhân có nguy cơ và nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Mỹ.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, nhiều quốc gia nghèo hơn có thể sẽ phải chờ đợi để nhận được vắc xin COVID-19 vì nhiều quốc gia giàu hơn đã đặt hàng trước với số lượng lớn.
Theo các nhà nghiên cứu, thời điểm phân phối vắc xin là yếu tố quyết định để dập đại dịch. Rochelle Walensky, người được Tổng thống đắc cử Joe Biden lựa chọn để lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đã nêu rất nhiều điều trong nghiên cứu của mình về vắc xin COVID-19.
Sử dụng một mô hình dựa trên hợp tác, phát triển với Đại học Yale, Rochelle Walensky kết luận rằng dù vắc xin COVID-19 có hiệu quả đến mức nào đi nữa thì công dụng của nó trong việc ngăn ngừa đại dịch sẽ giảm sút nếu quá trình triển khai tiêm chủng kéo dài quá lâu.
Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sáng kiến COVAX - nhằm cung cấp vaccine COVID-19 cho tất cả các quốc gia có nhu cầu, đã đạt được thỏa thuận với gần 2 tỷ liều vaccine của các ứng viên “đầy hứa hẹn”.