Trong hm nay, 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum sẽ được chuyển từ Thụy sĩ về H Nội để điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay.
Để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc pate Minh Chay, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương - Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc Botulinum.
Số thuốc này sẽ được vận chuyển bằng máy bay từ kho dự trữ thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ về Hà Nội trên chuyến bay ngày 8/9. Loại huyết thanh này sẽ được bảo quản trong điều kiện đặc biệt.
Theo PGS Giáng Hương, Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.
2 lọ thuốc giải Botulinum ở Thái Lan được WHO tài trợ và hỗ trợ cho Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các Vụ, Cục của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và Vụ Kế hoạch Tài chính) đã phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới để giải quyết các thủ tục cần thiết trong việc tiếp nhận số thuốc nêu trên.
Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) những ngày gần đây có 35 bệnh nhân đến khám sau khi ăn Pate Minh Chay nhiều ngày. Trong đó, có 13 trường hợp có biểu hiện nghi ngộ độc nhẹ: mỏi, yếu cơ. Các trường hợp này được cho về theo dõi tại y tế cơ sở, triệu chứng do ngộ độc có thể giảm dần. Tuy nhiên, nếu diễn biến bất thường cần phải quay lại bệnh viện ngay.
Về sức khỏe 2 bệnh nhân đầu tiên (là hai vợ chồng) điều trị tại Trung tâm Chống độc do ngộ độc Botulinum sau khi sử dụng Pate Minh Chay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên -Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, cả 2 bệnh nhân đang có diễn biến sức khỏe khả quan hơn sau khi được sử dụng thuốc giải độc.
Trong đó, bệnh nhân nữ có diễn biến tốt hơn hẳn, hiện còn liệt nhẹ ở họng nhưng đã tự ngồi, tự chăm sóc cá nhân, nói rõ và sẽ sớm ăn được trở lại bằng đường miệng.
Đến nay, Việt Nam mới nhận được 2 liều thuốc giải độc Botulinum do WHO tài trợ, lấy từ kho thuốc của Thái Lan. 2 liều thuốc này đã được dùng cho 2 bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 29/8 vừa qua.
Thuốc giải độc Botulinum là thuốc rất hiếm, chỉ có một số ít quốc gia có kho thuốc hiếm mới có loại thuốc này. Ngay tại Thái Lan, chỉ có chưa tới 10 lọ. Sau đó, Bộ Y tế đã liên hệ với WHO và các hiệp hội, cơ sở sản xuất để tìm nguồn thuốc cung cứng, đảm bảo nhu cầu điều trị.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, loại thuốc giải độc này chỉ có hiệu quả trong 1 tuần đầu tiên, hiệu quả nhất là trong 48-96 giờ đầu.
Độc tố Botulinum do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum tiết ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong đất, thực phẩm nên dễ nhiễm vào đồ ăn nếu không được nấu chín kĩ hoặc trong quá trình sơ chế, đóng gói không đảm bảo an toàn vệ sinh. Khi gặp điều kiện không có oxy sẽ sinh sôi và phát triển, sinh độc tố.
Botulinum được xem là một trong những loại độc mạnh nhất, chỉ cần hấp thu liều lượng 1,3-2,1 nanogam/kg thể trọng đã có thể gây chết người.
Dù vậy loại độc tố này không bền với nhiệt, bị bất hoạt ở nhiệt độ 80 độ C, phân huỷ ở nhiệt độ 100 độ C trong phút.