Thng tin ny được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phng bệnh cho người ở Việt Nam”, do Bộ Y tế v Bộ Khoa học v Cng nghệ tổ chức tại H Nội.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hình thành, phát triển các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành dựa trên việc triển khai các lợi thế về nhân lực, tài nguyên, điều kiện tự nhiên của đất nước. Chương trình sản phẩm quốc gia đã phê duyệt 11 nhiệm vụ trong đó tập trung nghiên cứu, sản xuất phát triển vắc xin.
Thời gian qua, vắc xin đã phát huy hiệu quả giúp làm thay đổi cơ bản cơ cấu bệnh tật; thanh toán được nhiều bệnh. Hiện Việt Nam đã sản xuất được 10 loại vắc xin và có 8 vắc xin được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thông tin, hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu vắc xin 5 trong 1 dùng cho cả chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Nhưng Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu vắc xin này trên động vật và chuẩn bị phối trộn, nên chỉ 2 năm nữa là có thể sản xuất được. Còn vắc xin cúm mùa, viêm não Nhật Bản và vắc xin bại liệt bất hoạt đang trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ xin cấp phép lưu hành.
Hiện Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vắc xin phòng bệnh
Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều dịch bệnh, nên từ lâu, vấn đề nghiên cứu vắc xin để phòng bệnh đã được coi trọng, nhằm chủ động phòng chống bệnh dịch. Hiện Việt Nam là một trong số ít nước ở khu vực có khả năng sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người. Với sự đầu tư mạnh mẽ, cùng với đội ngũ các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, hiện Việt Nam đã sản xuất được các loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…
Mới đây nhất, đầu tháng 4/2018 vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất chính thức đươc đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dùng tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.
Đến nay, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vắc xin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.
“Tổ chức y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu vắc xin bại liệt bất hoạt. Đây là loại vắc xin đang khan hiếm trên thế giới. Chúng tôi đang thức đẩy tốc độ nghiên cứu đó. Kết quả nghiên cứu đang rất khả quan. Chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất quy mô công nghiệp”, ông Long nói.