Khi xảy ra cháy thiệt hại về người và tài sản là rất lớn, chính vì vậy cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh việc phòng hơn chống. Bên cạnh việc hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng của chiến sĩ thì người dân cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan với các nguồn, thiết bị dễ bắt lửa.
Theo báo cáo, giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra 274 vụ cháy làm 6 người chết, 13 người bị thương thiệt hại về tài sản ước tính trên 116 tỷ đồng.
Nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 162 vụ; sơ suất bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt 76 vụ; sự cố kỹ thuật 8 vụ.
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (phòng cháy) đã chủ động tham mưu và triển khai quyết liệt nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã chủ động, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy.
Công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy đối với các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất, bảo đảm theo quy định. Công tác cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ cho phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.
Trong giai đoạn 2020-2022, đã xây dựng và phê duyệt 2.084 phương án chữa cháy, 2.128 phương án cứu nạn cứu hộ của cơ quan Công an; hướng dẫn 14.335 cơ sở xây dựng phương án chữa cháy, 5.350 cơ sở tự xây dựng phương án… Tổ chức tốt công tác thường trực chiến đấu /h, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy, cứu nạn cứu hộ kịp thời, hiệu quả, an toàn khi có cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.
Tổ chức kiểm tra theo định kỳ, chuyên đề, đột xuất tại 69.925 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy 4.093 trường hợp; đình chỉ hoạt động đối với 255 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động đối với 255 cơ sở.
Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật trong công tác phòng cháy trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp; nguy cơ cháy, nổ, đặc biệt là cháy lớn vẫn còn tiềm ẩn, nhất là ở các cơ sở có nguy hiểm cháy nổ cao; chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, chung cư; nhà cao tầng… hệ thống điện của các khu dân cư vẫn còn nhiều bất cập trong khâu cung cấp, sử dụng không an toàn, xảy ra nhiều vụ cháy do chập điện.
Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chưa quan tâm đúng mức trong công tác phòng cháy còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vi phạm quy định về phòng cháy.
Ngày 6/4, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác phòng cháy.
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy với phương châm lấy phòng ngừa là chính; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy; đồng thời cần phải làm tốt ngay từ công tác quy hoạch, kế hoạch; gắn kết đồng bộ quy hoạch, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội với hệ thống hạ tầng phòng cháy theo quy định.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về phòng cháy theo hướng đơn giản hóa, rút gọn thời gian, công khai minh bạch; tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực này.
Thường xuyên quan tâm đến công tác kiểm tra, thanh tra một cách phù hợp; xử lý nghiêm những trường hợp cố tình không chấp hành các quy định về phòng cháy, nhất là đối với những địa bàn, công trình có nguy cơ cháy nổ cao như: Khu sản xuất tập trung, tòa nhà cao tầng, karaoke, quán bar, vũ trường…
Đồng thời cần phải có lộ trình phù hợp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khắc phục những thiếu sót trong thực hiện các quy định về phòng cháy, bảo đảm để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, không được làm cứng nhắc mà phải phù hợp với tình hình thực tế.
Tiếp tục quan tâm xây dựng lực lượng có chức năng về phòng cháy trong sạch, vững mạnh, chính quy, hiện đại. Chú trọng xây dựng lực lượng phòng cháy chuyên ngành tại các khu công nghiệp. Kiện toàn lực lượng phòng cháy ở cơ sở, nhất là lực lượng dân phòng; mô hình khu dân cư, tổ liên gia về công tác phòng cháy… Thường xuyên tổ chức tập huấn về nghiệp vụ, trang bị các thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực phòng cháy.