Việt Nam c đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức 4% được hay khng phụ thuộc vo 3 biến số chính trong bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới đang tác động lớn tới Việt Nam.
Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đặt chỉ tiêu CPI tăng khoảng 4%. Theo TS. Sử Ngọc Khương, mục tiêu duy trì lạm phát trong khoảng 4% của Quốc hội là có thể đạt được. Mặc dù vậy, bối cảnh bất ổn chính trị trên thế giới trong đó có chiến tranh Nga - Ukraine đang tác động đến hoạt động sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.
Tiêu biểu là tình trạng giá dầu tăng mạnh từ 70 USD/thùng lên trên 120 USD/thùng trong vòng gần 6 tháng trở lại đây. Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo giá dầu có thể tăng lên đến 200 USD/thùng nếu nguồn cung dầu từ Nga bị cắt giảm. Tương tự, giá kim loại quý cũng đã tăng đáng kể.
Ở thị trường quốc tế, theo thống kê của sàn Kitco, giá vàng thế giới trong 1 tháng qua tăng đỉnh điểm đến 1,991.16 USD/oz. Cùng với đó, giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới, gần chạm mốc 69 triệu đồng/lượng vào ngày 18/3. Những biến động này dẫn đến các nguyên vật liệu, chi phí sản xuất tăng cao và sau cùng là giá hàng hóa tăng theo.
“Như vậy, dưới tác động của chiến tranh cũng như những ảnh hưởng vẫn còn tồn tại của COVID-19 khiến mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% là rất thử thách cho nền kinh tế cũng như chính sách tài khóa. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trường hợp khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19 diễn ra đúng như kỳ vọng và tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine được giải quyết ổn thỏa thông qua các đàm phán sớm”, TS. Sử Ngọc Khương nói.
Theo TS.Sử Ngọc Khương, việc Việt Nam có đảm bảo kiềm chế lạm phát ở mức 4% được hay không phụ thuộc vào 3 biến số chính.
Thứ nhất là sự tác động của chiến tranh đến giá dầu, kim loại quý, nguyên liệu đầu vào của các lĩnh vực sản xuất, ảnh hưởng giá của sản phẩm.
Thứ hai, căng thẳng thương mại giữa Nga và các nước phương Tây với những biện pháp trừng phạt tạo ra xung đột về thương mại giữa nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, việc xuất nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa trở nên khó khăn hơn do vận chuyển hàng hải, hàng không bị hạn chế.
Thứ ba là yếu tố dịch bệnh. Thực tế, chúng ta đang kỳ vọng các nền kinh tế trên thế giới có thể đi đến trạng thái bình thường, sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu phục hồi và phát triển nền kinh tế hậu COVID-19 cũng không dễ dàng thực hiện. Nguyên nhân là sức đề kháng của doanh nghiệp hiện nay khá thấp, lãi suất vay tăng, chi phí sản xuất và nguyên vật liệu cũng tăng trong bối cảnh hiện tại.