Sau những lời quảng cáo c cánh chỉ cần qua 1 liệu trình kéo di 3 tháng, khách hng sẽ c một vng eo như mong muốn... những nạn nhân lm dịch vụ tan mỡ bụng đã đối mặt với nhiều biến chứng nặng, thậm chí gây hoại tử, "thủng" cơ thể.
Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết, trong thời gian gần đây, Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp bị biến chứng nặng, rất nguy hiểm sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng.
Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ tên D. (38 tuổi, TP. HCM). Sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng tại một cơ sở thẩm mỹ, chị D. bị biến chứng nặng, gây hoại tử da ở vùng bụng và 2 đùi, phải nhập Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị từ ngày 27/7.
Sau nhiều lần được các y bác sĩ cắt lọc vết thương, khâu da, kết hợp điều trị bằng kháng sinh và thuốc giảm đau, chị D. đã hồi phục và xuất viện.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân nữ tên A. (29 tuổi, ở TP.HCM), nhập Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 7/7. Bệnh nhân cũng bị những biến chứng nặng sau khi sử dụng thuốc tan mỡ bụng. Không những bị nhiễm trùng tại chỗ tiêm, chị A. còn bị hoại tử ở nhiều vùng khác của cơ thể như đùi, lưng… do thuốc lan rộng.
Theo TS.BS Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình, các bác sĩ đã bù máu, dinh dưỡng, cắt lọc mô hoại tử, súc rửa vết thương nhưng chị A. không xác định được dung dịch bị tiêm vào người, kèm theo số lượng dung dịch lớn làm cho vết thương không thể lành.
"Suốt một thời gian dài, cứ xử lý nhiễm trùng xong, khâu vá vài ngày, da lại... rách toạc ra. Đây là di chứng rất nặng nề từ dung dịch làm tan mỡ, chúng phá hủy các tế bào xung quanh, làm cho vết thương ngày càng lở loét và lan ra rất nhanh, làm vô hiệu hóa thuốc khi sử dụng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tâm lý người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề", BS Hiệp nói.
Ê-kíp bác sĩ phải theo dõi sát, vừa xử lý vết thương vừa trị liệu về tâm lý, giúp chị A. có thể yên tâm điều trị. Mất hơn 3 tháng bơm rửa vết thương liên tục, thực hiện 6 lần phẫu thuật và vô số đợt tiểu phẫu để loại trừ, khống chế nhiễm trùng. Đồng thời sử dụng các băng gạc thấm hút đặc trị để loại trừ dịch tiết, kể cả kháng sinh liều cao cho chị A.
Hiện tại sau hơn 4 tháng điều trị, sức khỏe chị A. đã ổn định, chị lấy lại tinh thần và sắp được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, do vết thương quá lớn, phần bụng, hông của chị có thể để lại sẹo lớn, mất thẩm mỹ.
Theo BS Hiệp, mặc dù không biết cơ sở làm đẹp đã tiêm thuốc gì cho chị A. và chị D., nhưng bác sĩ có thể khẳng định cho đến nay Việt Nam chưa cho phép sử dụng thuốc tiêm tan mỡ trong giảm cân, làm đẹp. Vì vậy, rất nguy hiểm nếu chị em phụ nữ chưa tìm hiểu kỹ đã chấp nhận những dịch vụ này.
Thuốc tan mỡ có thành phần chính là Phosphatidylcholine (PCC), được hòa tan nhờ deoxycholate natri (DC) - một loại muối mật. Tên thương mại của thuốc tan mỡ là Lipostabil, Dermaheal LL hoặc Liponsaure. Dù được khẳng định là thiếu an toàn, nhưng thuốc tan mỡ vẫn được lưu hành tại một số nước châu Âu, chuyên dùng để chữa chứng thuyên tắc mạch máu phổi do mỡ, rối loạn lipid máu.
Phân tích chuyên môn của BS Hiệp chỉ ra, khi tiêm vào các mô mỡ, thuốc sẽ dần phá hủy các tế bào mỡ, biến tế bào mỡ thành dạng nhũ tương. Lợi dụng những đặc tính của Lipostabil, một số cơ sở chăm sóc sắc đẹp đã quảng cáo Lipostabil như một loại "thần dược" giúp làm tan mỡ trên cơ thể.
Biến chứng thường gặp sau tiêm thuốc tan mỡ là cảm giác đau và sưng phù tại vùng tiêm, có thể kéo dài 1-2 tuần. Hoạt chất trong thuốc tiêm tan mỡ có nguồn gốc sinh học nên có thể gây dị ứng, triệu chứng kích ứng là cảm giác châm chích, đỏ da hay ngứa sau khi tiêm. Tình trạng bầm tím cũng có thể xảy ra sau khi tiêm.
"Nếu tiêm thuốc càng sâu, bệnh nhân không chỉ hoại tử ngoài da mà còn ăn sâu nhiều bộ phận, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật đau đớn", BS Hiệp lưu ý người dân cảnh giác trước những quảng cáo về thuốc tan mỡ đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay.