Từ chính sách đặc biệt tới quyết sách chưa có tiền lệ, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác tuyên giáo, dân vận, công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô cơ bản bảo đảm tiến độ, dự kiến sẽ bàn giao 70% mặt bằng trước ngày 30/6/2023.
Hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng
Là hộ dân có toàn bộ diện tích nhà ở thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng, ông Phạm Việt Hùng (tổ dân phố số 4, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) chia sẻ, gia đình ông có 295m2 nằm trên mặt đường Quốc lộ 6, hiện đang mở cửa hàng kinh doanh đồ điện với doanh thu hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Điều đáng nói là gia đình ông đã 4 lần di chuyển nhà để phục vụ mở đường. Lần này, toàn bộ 295m2 nằm trọn trong chỉ giới đường Vành đai 4. Song, với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cán bộ từ quận đến phường, bản thân ông Hùng và gia đình nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ mở mang nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, do vậy ông Hùng đã hy sinh lợi ích của cá nhân, gia đình vì lợi ích cộng đồng, sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng để tiến hành đo đạc, kiểm đếm tài sản, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai dự án.
Ông Phạm Việt Hùng mong muốn TP Hà Nội chỉ đạo sát sao để bảo đảm tiến độ dự án, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, làm cho đô thị khang trang, hiện đại.
Tại huyện Mê Linh (TP Hà Nội), xã Kim Hoa là địa phương có số ngôi mộ phải di dời nhiều nhất huyện với 200 ngôi mộ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và sự gương mẫu của người đứng đầu, Kim Hoa đã trở thành địa phương hoàn thành di dời mộ sớm nhất của huyện, với sự đồng thuận rất cao của người dân.
Tháng 10/2022, khi thành phố chưa chốt giá, chưa phân bổ kinh phí bồi thường, tất cả người dân của xã Kim Hoa đã đồng thuận, tiến hành di dời phần mộ của người thân về nghĩa trang tập trung ở các thôn trong tâm thế phấn khởi.
Bí thư Đảng ủy xã Kim Hoa Nguyễn Khắc Trung cho biết, ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Huyện, Đảng ủy xã đã tổ chức hội nghị để quán triệt, phổ biến đến từng đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, gắn với giao nhiệm vụ cho từng đồng chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải đáp các thắc mắc về dự án, qua đó, đã sớm tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Cuối tháng 4 vừa qua, UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) tổ chức chi trả kinh phí “hỗ trợ đặc thù” khu đất xâm canh giáp quận với mức hỗ trợ khác đối với đất nông nghiệp là 450.000 đồng/m2 cho hơn 70 hộ dân tại xã Đông La.
Việc lắng nghe, tạo điều kiện và giải quyết theo nguyện vọng của người dân khiến ai nấy đều vui mừng. Các hộ gia đình mong muốn dự án sớm được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đi lại của nhân dân cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Được biết, An Thượng là xã được bàn giao mốc giới tại thực địa muộn nhất so với các xã khác trong huyện Hoài Đức có đường Vành đai 4 qua. Song, với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, đường lối của Đảng dự án, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, nhất là sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Ông Cao Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã An Thượng cho biết, địa phương có tổng diện tích 50,18ha đất phải thu hồi để thực hiện dự án đường Vành đai 4, trong đó, có 23,04ha đất nông nghiệp của 1.001 hộ dân, 27,14ha đất công, đường mương do UBND xã quản lý. Xã đã phối hợp với đơn vị chức năng huyện thực hiện kiểm tra, đo đạc, quy chủ, kiểm đếm và hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Trên cơ sở đó, UBND huyện Hoài Đức đã ban hành thông báo thu hồi đất của 983/1.001 hộ dân trong xã, diện tích 22,58 ha; ban hành thông báo thu hồi đất công với diện tích 26,34 ha gồm: Đất giao thông thủy lợi: 10,99 ha Đất công ích: ,35 ha. UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tổ chức chi trả 4 đợt cho 669 hộ với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng.
Sức mạnh từ “dân vận khéo”
Trong chuyến kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến kiến nghị của người dân trên địa bàn, như hộ gia đình ông Phạm Việt Hùng (Tổ dân phố số 4), ông Lê Hùng Thiện và Nguyễn Duy Quang (Tổ dân phố số 3). Đây đều là các hộ dân có phần đất ở thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án, trong đó, như gia đình ông Phạm Việt Hùng có toàn bộ phần đất ở rộng 299m2 nằm trong chỉ giới dự án.
Qua trao đổi, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, người dân trên địa bàn đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ chủ trương thực hiện Dự án Vành đai 4 của thành phố; sẵn sàng nhận tiền đền bù, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Người dân cũng kiến nghị với Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm công khai, minh bạch và đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện tối đa bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp, bố trí tái định cư phù hợp, thuận lợi cho người dân.
Các ông Phạm Việt Hùng, Lê Hùng Thiện cũng kiến nghị Bí thư Thành ủy, lãnh đạo thành phố chỉ đạo sát sao để bảo đảm tiến độ dự án, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, làm cho đô thị khang trang, hiện đại, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn, công tác giải phóng mặt bằng là lĩnh vực khó nhất, phức tạp nhất khi triển khai mỗi dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là đối với Dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, khi khối lượng di dời giải phóng mặt bằng rất lớn, lên tới 1.341ha, với hàng vạn ngôi mộ.
Song nhờ “dân vận khéo”, công tác tuyên truyền được tổ chức một cách bài bản, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dự án đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Bằng chứng là tính đến 3/2/2023, chỉ có 3 đơn kiến nghị dân nguyện thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện; không có đơn khiếu nại, tố cáo.
Ngày 17/5/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội cho biết, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển mồ mả liên quan dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được thực hiện đúng tiến độ. Dự kiến, trước ngày 30/6/2023 tới, sẽ bàn giao 70% mặt bằng để khởi công dự án theo kế hoạch.
Trong các cuộc họp giữa ba địa phương Hà Nội – Bắc Ninh – Hưng Yên, lãnh đạo các địa phương đều cam kết: Tháng 6/2023, phấn đấu bàn giao 70% mặt bằng để khởi công công trình. Tháng 12/2023, cơ bản bàn giao mặt bằng đối với toàn tuyến của Dự án. Phấn đấu khởi công công trình vào tháng 6/2023; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2027.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tin tưởng, với lộ trình và quyết tâm cao được 3 địa phương cam kết, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tương tự, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô khẳng định, quyết tâm sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ, để đến ngày 30/6 sẽ bàn giao 70% mặt bằng, khởi công dự án; cơ bản hoàn thành dự án vào cuối năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.