Kinh tế

Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – kinh nghiệm và thực tiễn

Văn Vũ - Trí Nhân 30/11/20 - 16:05

Nội dung trên là chủ đề Hội thảo sáng 30/11, tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Hội thảo do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

ht.jpg
PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo do PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cùng Ths. Lê Minh Nhựt – Giảng viên của Trường chủ trì, với sự góp mặt của các diễn giả như: Ths. Châu Kim Anh, Chánh Tòa Lao động, TAND TP.HCM; ông Nguyễn Bảo Cường - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, Sở LĐTB&XH TP.HCM; cùng nhiều đại diện từ doanh nghiệp và học giả uy tín.

Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề pháp luật, thực tiễn thực thi các cam kết quốc tế của Việt Nam về kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt trong các lĩnh vực lao động và môi trường. Nhiều bài tham luận đã được trình bày, điển hình như: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Thực thi cam kết môi trường trong các hiệp định thương mại thế hệ mới; Minh bạch và giải trình trong lĩnh vực môi trường; Thúc đẩy trách nhiệm kinh doanh trong bối cảnh già hóa dân số và thâm dụng lao động tại Việt Nam…

quang-canh-ht.jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Mở đầu hội thảo với chủ đề “Tăng cường thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường theo hiệp định EVFTA – thách thức và một số giải pháp khắc phục” do Ths. Trần Linh Huân, Lưu Thị Ngọc Duyên thuộc Trường Đại học Luật TPHCM trình bày: Việt Nam là thành viên của Hiệp định EVFTA, do đó các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh tuân thủ các cam kết, thỏa thuận chung thì còn phải thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với tư cách là một quốc gia đang phát triển, việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường trên cơ sở phù hợp với tinh thần tại Hiệp định thương mại tự do EVFTA gặp không ít những khó khăn, thách thức nhất định.

hth.jpg
Thẩm phán Châu Kim Anh - Chánh Tòa Lao động TAND TPHCM tham dự Hội thảo

Bài tham luận tập trung phân tích trách nhiệm của doanh nghiệp về môi trường trong hoạt động kinh doanh theo hiệp định thương mại tự do EVFTA, phân tích đánh giá làm rõ những vấn đề khó khăn, thách thức trong việc thực hiện trách nhiệm này của doanh nghiệp tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất kiến nghị hoàn thiện.

Tham gia bài tham luận với vai trò của doanh nghiệp, nhóm tác giả Trần Quốc Bảo; Nguyễn Thị Thuận; Nguyễn Thị Thu Hiền thuộc công ty Luật TNHH Pháp Đăng với đề tài: “Quy định về báo cáo ESG: Kinh nghiệm một số quốc gia và bài học cho Việt Nam”.

Các yếu tố Môi trường (E), Xã hội (S), và Quản trị (G), được gọi chung là ESG, đang dần trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu cho phát triển bền vững, và là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý. Việc lập báo cáo, thực hành các mục tiêu ESG không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và phát triển dài hạn cho doanh nghiệp, mà còn hướng đến hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Đặc biệt, ESG là công cụ then chốt hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu trong cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết tại COP26, cũng như các cam kết liên quan đến lao động, môi trường và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

dien-gia-trinh-bay.jpg
Diễn giả trình bày tham luận

Tiếp theo là sự tham gia của nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, với chủ đề: Thực thi cam kết về môi trường trong các FTA thế hệ mới tại Việt Nam, tạo điều kiện thực hành kinh doanh có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững, do TS. Đỗ Việt Cường trình bày, với các vấn đề nguồn lực và tài nguyên truyền thống dần khan hiếm, kinh doanh có trách nhiệm trở thành xu hướng quan trọng, được thúc đẩy bởi các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế hay Tổ chức Lao động quốc tế. Các nguyên tắc Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang trở thành tiêu chuẩn cho sự vận hành của các tập đoàn, doanh nghiệp trên thế giới.

Mặt khác, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết cũng đề cao tầm quan trọng của những vấn đề môi trường. Để thực thi những cam kết về môi trường trong các FTA thế hệ mới, việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hành kinh doanh có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng…

Cùng tham gia trong hội thảo, Đề tài: Xu hướng ban hành các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tại một số quốc gia trên thế giới và gợi mở cho Việt Nam, do TS. Đào Gia Phúc, Viện trưởng, Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM trình bày: Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibilities - CSR) đã trở thành chủ đề được quan tâm và phát triển trên toàn cầu trong những thập kỷ gần đây trước các lo ngại về tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường và xã hội.

Tổng quan về CSR và xu hướng trên thế giới về việc ban hành các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ mô hình “tự nguyện” sang “bắt buộc”, kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình tại châu Âu, Hoa Kỳ và châu Á đã được phân tích cụ thể nhằm đưa ra một số gợi mở cho Việt Nam khi ban hành các quy định tương tự về CSR và định hướng những nội dung về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Sau phần trình bày, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận sôi nổi, làm rõ các nội dung quan trọng trong từng tham luận. Nhiều câu hỏi thiết thực từ phía khách mời đã được đưa ra. Các diễn giả cũng đã tận tình giải đáp, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ trong nước và quốc tế, tạo nên một không khí đối thoại mở và sâu sắc.

htl.jpg

Tại Hội thảo, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) đã tài trợ 20 triệu đồng vào Quỹ hỗ trợ sinh viên của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Hội thảo là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý, hướng tới phát triển bền vững, đồng thời cũng là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhằm thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hnh kinh doanh c trách nhiệm tại Việt Nam – kinh nghiệm v thực tiễn