Văn hóa - Du lịch

Chợ xưa – Tết nay

Tuyết Nhung 03/02/20 - 07:17

Sự phát triển mạnh mẽ của loại hình thương mại hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) và thương mại điện tử đã khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp. Dù vậy, mỗi dịp xuân về những phiên chợ Tết, gánh chợ quê vẫn mang đến nhiều giá trị văn hóa, nhiều tình cảm quê hương đã bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Đây cũng là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ hướng về cội nguồn với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.

z5048032787740_a83d36f2d8efd3abb792f7fa398ab23c.jpg

Những thước phim quay chậm lưu giữ hồn quê

Tết Nguyên đán đến gần cũng là lúc những khu chợ truyền thống thêm rộn ràng, tấp nập người mua, kẻ bán. Dù phải chạy đua với thời gian nhưng ai cũng thu xếp công việc, tranh thủ đi mua sắm Tết cho gia đình.

Để cảm nhận cái thú vị đặc sắc của Tết, bạn chỉ cần chịu khó hi sinh những buổi ngủ nướng, cùng các mẹ, các chị đi chợ từ sớm. Đi giữa hai hay nhiều sạp hàng mọc san sát, đủ màu sắc xanh đỏ từ đủ loại đồ ăn trên đời, dù khu chợ ấy đã quen lắm, ngày nào cũng đi thì người ta vẫn cảm thấy những thứ mới mẻ mà chỉ riêng chợ ngày Tết mới có được.

Nếu ở trên mạng, việc buôn bán thực phẩm Tết đã rục rịch từ cả tháng, thì chợ truyền thống chỉ thực sự tấp nập sau ngày ông Công ông Táo. Đi chợ những ngày này không khó để bạn săn những đồ "cực phẩm". Có cảm giác các tiểu thương đã "găm hàng" trước vài tháng để bung ra vào dịp này, nào là nải chuối đẹp nhất, gạo nếp, đậu xanh loại ngon nhất.

Nhiều mặt hàng nông sản của bà con đem từ vườn ra hoặc từ các chợ đầu mối đổ về làm cho chợ Tết thêm phong phú. Lá dong, dưa hành... đến cả những đồ khô, chay... đều có ở chợ truyền thống. Những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ là vài củ su hào, mấy mớ mùi thơm hay những mớ lá riềng, bó ớt… vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với siêu thị.

Góp phần làm nên không khí Tết cho chợ quê chính là những gian hàng hoa, những dãy bòng bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Người bán ngồi sát mặt đất, được kê một cái ghế lùn, hoặc ngồi trên mặt đất. Phía trước trải một tấm bạt hoặc thùng xốp rồi bày nông sản trên đó.

Chợ truyền thống ngày Tết không chỉ là nơi mua bán những sản vật vườn quê, mà còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi, chia sẻ với nhau những chuyện làm ăn, buôn bán, chuyện vui buồn của năm cũ. Chợ cũng chính là sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn. Tiếng nhạc Xuân vang lên giữa chợ quê: "Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!", làm ai cũng nôn nao.

Không chỉ mang những giá trị văn hoá, tinh thần mà nhiều khu chợ truyền thống tại Việt Nam còn mang nhiều giá trị về lịch sử, cấu trúc cổ. Ví dụ như chợ Đồng Xuân được xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), chợ Mơ, chợ Hàng Da,...

“Những khu chợ truyền thống này không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp nhất Hà thành, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân kẻ chợ xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội”.

TS, KTS Nguyễn Văn Quảng – Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Chợ truyền thống thay đổi, bắt nhịp với thời đại

Những năm gần đây, do công nghệ số phát triển, trên các trang mạng xã hội đăng quảng cáo đầy đủ các mặt hàng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Chỉ cần một thao tác đặt hàng sẽ được chuyển đến tận nhà. Chính vì vậy rất nhiều người có xu hướng mua hàng online khiến thị phần của chợ truyền thống bị thu hẹp, phải chịu sức ép cạnh tranh.

hinh-anh-cho-tet-14.jpg

Nhiều năm qua, ngành công thương có nhiều giải pháp cũng như xây dựng đề án quy hoạch lại các chợ truyền thống nhằm chuyển đổi công năng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng văn minh, hiện đại của đô thị. Mặc dù vậy, quá trình triển khai đã phát sinh nhiều bất cập khi quy hoạch chưa sát thực tiễn.

Về vấn đề này, thạc sĩ Luật kinh tế Lê Xuân Bách nhìn nhận, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Ngoài việc phục vụ bà con nghèo, thu nhập thấp thì chợ cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Để tiểu thương đang buôn bán tại các mô hình này có thể thúc đẩy giao thương cần xem xét những yếu tố nào thu hút người dân tới, ví như chợ Mơ có quầy hàng ẩm thực đem đến lượng khách đều đặn, nếu khai thác được tiềm năng này như tổ chức không gian văn hóa, bố trí giao thông hợp lý... sẽ có thể tạo cơ hội cho chợ trở thành điểm đến hấp dẫn.

Để rồi đến những dịp Tết đến, Xuân về những hình ảnh không thể thiếu khi đến với những khu chợ truyền thống là những lời chào mời khách thân thương cùng phiên trả giá đối với các mặt hàng. Người bán giới thiệu sản phẩm, người mua có thể ưng ý món hàng, nhưng vẫn cầm lên đặt xuống, rồi do dự mặc cả để mua được giá cả phù hợp với túi tiền. Có thể nói, mặc cả dường như đã trở thành một nét riêng không thể thiếu mỗi khi đi chợ của mọi người. Dù người mua không mua được hàng, hay người bán không bán được thì không khí mua bán ở chợ vẫn diễn ra rất vui vẻ, ai cũng tươi cười hồ hởi.

Từ đó, chợ Tết chính là không gian sinh hoạt, không gian văn hóa chuẩn bị cho một năm mới hứa hẹn những điều mới mẻ, thành công, an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng. Với những người con phương xa, vào cuối năm có dịp trở về đều mong muốn được một lần ghé đến những khu chợ truyền thống để cảm nhận sắc xuân đang về và sự đổi thay từng ngày trên “quê cha, đất tổ”.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chợ xưa – Tết nay