Tòa án địa phương

Chuyện về người “thủ lĩnh” Tòa Hình sự TAND tỉnh Sóc Trăng

Hà Giang 29/04/2025 - 16:10

“Pháp luật trao cho mình quyền xét xử người khác, thì phải sử dụng quyền ấy một cách đúng đắn, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm pháp”, đây là kim chỉ nam trong suốt hơn 26 năm làm nghề của Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu - Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh Sóc Trăng.

“Pháp luật trao cho mình quyền xét xử người khác, thì phải sử dụng quyền ấy một cách đúng đắn, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt kẻ phạm pháp”, đây là kim chỉ nam trong suốt hơn 26 năm làm nghề của Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu - Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Sóc Trăng.

Giữ vững niềm tin

Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu là chủ tọa hàng trăm vụ án hình sự, có vụ án đơn giản, có vụ phức tạp, cũng có vụ để lại những đêm trăn trở không yên. Một trong số đó là vụ bị cáo Lai Tiền, bị buộc tội hiếp dâm chính em ruột của mình.

“Vụ án không có nhân chứng trực tiếp, bị cáo một mực kêu oan, kết luận giám định chưa đủ sức nặng. Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa có tội và vô tội, nhưng cuối cùng, trên cơ sở đánh giá toàn diện chứng cứ và niềm tin nội tâm, tôi và Hội đồng xét xử đã xác định bị cáo có tội. Bản án sau đó được TAND cấp cao tại TPHCM giữ nguyên”, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu chia sẻ.

Trong quá trình xét xử, bản lĩnh không chỉ thể hiện ở sự cứng cỏi, mà còn ở khả năng cân bằng giữa lý trí và cảm xúc. Có những vụ án mà luật rất rõ, nhưng lòng người thì phức tạp. Giữa luật và tình luôn có ranh giới mong manh mà Thẩm phán phải tự mình vượt qua.

Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu cho hay, trong nhiều vụ án, bị cáo và bị hại là người thân trong gia đình, bị hại tha thiết xin giảm nhẹ hình phạt. Khi đó, bản thân người Chủ tọa và Hội đồng xét xử thường đặt nặng yếu tố giáo dục và khả năng phục hồi mối quan hệ xã hội. Áp dụng hình phạt đúng luật nhưng nhẹ nhàng hơn, để người phạm tội còn cơ hội sửa mình, để không ai bị đẩy sâu thêm vào vực thẳm.

Tuy nhiên, với những vụ án nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, hay bị hại yêu cầu xử lý nghiêm khắc, Hội đồng xét xử buộc phải đặt sự nghiêm minh của pháp luật lên trên hết.

“Mình phải dành thời gian phân tích kỹ lưỡng hoàn cảnh phạm tội, nhân thân bị cáo để đưa ra mức án hợp lý, vừa không bỏ lọt tội phạm, vừa không làm lu mờ tính nhân đạo của pháp luật. Một bản án dù công minh đến đâu cũng khó làm hài lòng tất cả các bên.

Nhưng điều quan trọng là các bên có cảm nhận được sự công bằng tương đối hay không”, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu tâm sự.

Theo Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu, có những bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, không bị kháng nghị. Không phải vì tất cả đều hài lòng, mà bởi vì các bên cảm nhận được sự công tâm, đánh giá đầy đủ và minh bạch trong từng lời tuyên án. Đó là lúc trái tim và bản lĩnh người Thẩm phán gặp nhau, ở điểm giao thoa giữa luật pháp và cuộc đời, giữa điều đúng và điều sai, giữa công lý và lòng người.

Ở cương vị Chánh tòa Hình sự, nơi xét xử nhiều vụ án nóng, nhiều bị cáo, áp lực lớn từ dư luận, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu vẫn giữ vững phong thái điềm tĩnh, tư duy sắc sảo và kỹ năng điều hành khoa học. Từ năm 2020 đến 20, anh đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tỷ lệ giải quyết án luôn đạt và vượt chỉ tiêu, không có án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.

anh-1.-tham-phan-nguyen-thanh-huu.jpg
Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu, Chánh tòa Hình sự TAND tỉnh Sóc Trăng.

Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng Thái Rết đánh giá: “Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu là một cán bộ tư pháp tiêu biểu, hội tụ đầy đủ phẩm chất của người “cầm cân nảy mực”. Với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn vững vàng, đồng chí luôn được tin tưởng giao xét xử nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, mang tính chất đặc biệt của tỉnh Sóc Trăng. Không ngại khó, không ngại va chạm, đồng chí Hữu luôn dành thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ, bám sát diễn biến vụ án, từ đó đưa ra những bản án khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Phó Chánh án TAND tỉnh Lê Thanh Vũ nhận xét: “Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu có kiến thức pháp lý vững chắc, kinh nghiệm thực tiễn phong phú cùng tư duy sắc sảo, luôn thể hiện sự sâu sát và toàn diện trong việc phân tích hồ sơ, đặc biệt là các vụ án hình sự phức tạp. Trên cương vị Chánh tòa Hình sự, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử, mà còn thể hiện vai trò điều hành khoa học, hiệu quả. Nhiều năm liền, Tòa Hình sự không để xảy ra án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; tỉ lệ giải quyết án luôn đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và TANDTC giao, được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc”.

Người cha kiên cường

Không nhiều người biết, sau mỗi phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu lại trở về nhà với vai trò một người cha. Không có gì để nói nếu như hoàn cảnh gia đình anh bình thường như bao gia đình khác; gia đình Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu có hoàn cảnh đặc biệt, khi con trai anh không thể đi lại bình thường vì mắc bệnh bẩm sinh. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người thân.

Trước đó, trong suốt những năm công tác tại TAND huyện Trần Đề, mỗi buổi trưa sau giờ làm, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu lại vội vàng trở về nhà để kịp lo cho con, rồi quay lại cơ quan để tiếp tục công việc. Có những tháng con nằm viện điều trị dài ngày, vợ chồng anh thay phiên nhau chăm sóc con, nhưng tuyệt nhiên công việc không vì thế mà xao nhãng. Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững tiến độ, chất lượng giải quyết án, như một cách để tự nhủ với lòng mình không được gục ngã.

Sự tận tụy của anh đã được lãnh đạo đơn vị thấu hiểu và sẻ chia. Những lời động viên, sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ lãnh đạo và đồng nghiệp chính là điểm tựa tinh thần giúp Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu vững vàng vượt mọi khó khăn, vừa làm tròn vai trò người cha, vừa giữ trọn phẩm chất của một người Thẩm phán vì công lý, vì lẽ phải và niềm tin.

Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu còn là người “truyền lửa” nhiều Thẩm phán, Thư ký trong đơn vị. Tất cả đều được anh chia sẻ, hướng dẫn tận tình.

Thư ký Lê Ngọc Bích Trâm chia sẻ: “Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu không chỉ là một người thầy tận tụy, mà còn là đồng nghiệp gần gũi, chân thành. Anh là người hiền lành, điềm đạm, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cấp dưới một cách tận tâm, không nề hà. Được làm việc cùng anh là điều may mắn của thế hệ trẻ chúng tôi”.

Hơn 26 năm trong nghề, điều khiến Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu trân trọng nhất không phải là những danh hiệu, mà là mỗi lần tuyên án thì người dân cảm nhận được sự công bằng.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn làm Thẩm phán. Đây là nghề cần bản lĩnh, đạo đức và cả trái tim. Mỗi bản án là một cơ hội để công lý đến gần hơn với người dân”, Thẩm phán Nguyễn Thành Hữu khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về người “thủ lĩnh” Ta Hình sự TAND tỉnh Sc Trăng