Một nhiệm kỳ Quốc hội (QH) mới đi qua, những gì lm được v chưa lm được đã được các ĐBQH phân tích, chỉ r một cách sng phẳng. Điều lớn lao v đáng mừng nhất được gửi lại cho nhiệm kỳ sau chính l một niềm tin trọn vẹn.
Cùng với vấn đề nhân sự đang được Quốc hội bàn thảo thẳng thắn, nghiêm túc mang hơi hướng tư duy của thời đại mới, việc quyết định nhân sự Nhà nước đang được đồng bào cử tri cả nước kỳ vọng vào hành động “nói và làm” ngay từ cuộc “bàn giao lịch sử” này với những đột phá của các vị trí chủ chốt của đất nước cho đến các “tư lệnh” bộ, ngành của nhiệm kỳ 5 năm tới.
Tự hào
Quốc hội khóa XIII đã đi trọn một nhiệm kỳ 5 năm - quãng thời gian không quá dài cũng đủ để QH hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ trên cả 4 lĩnh vực lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại. Những gì là thành công của QH 5 năm qua thực không khó để nhìn nhận đó là: xây dựng nhiều bộ luật, đổi mới hoạt động của QH trong chất vấn và trả lời chất vấn; là đem tiếng nói của người dân cùng những thực tế đôi khi chứa chất cả niềm đau, không ngại ngần mổ xẻ trên diễn đàn Quốc hội… Và ở lĩnh vực nào QH cũng đều gặt hái được những thành tựu đáng nhớ, đáng tự hào, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng cử tri và nhân dân cả nước.
Như khoảnh khắc quý giá và có lẽ không bao giờ có thể quên trong lòng mỗi đại biểu nhiệm kỳ qua, đó là khi gần 500 ĐBQH có mặt tại hội trường không ai bảo ai đồng loạt đứng dậy vỗ tay không dứt chào mừng bản Hiến pháp mới vừa được QH bấm nút thông qua. Đây là công sức, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các ĐBQH Khóa XIII.
Tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Hay đó là lần đầu tiên QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Lần đầu tiên QH tiến hành tái giám sát tổng thể việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII… Và lần đầu tiên, QH bàn và quyết về công tác nhân sự bộ máy nhà nước vào kỳ họp cuối cùng của một nhiệm kỳ với mong mỏi giảm tối đa khoảng thời gian để cử tri và nhân dân phải chờ bộ máy nhà nước ổn định…
Trăn trở
Tự hào là vậy, nhưng trước câu hỏi của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - người đứng đầu Quốc hội khi còn đương nhiệm đặt ra: “Nhìn lại 1.825 ngày qua, mỗi đại biểu có quyền tự hào được là ĐBQH khóa XIII chưa? QH, các cơ quan của QH và từng ĐBQH đã cải tiến, đổi mới, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân chưa?” Thì chắc hẳn mỗi người sẽ không tránh khỏi đắn đo. Đắn đo vì còn nặng nợ với cử tri, đắn đo vì những điều không làm được, hoặc không làm sớm hơn.
Và không đắn đo làm sao được khi mà Quốc hội khóa XIII gửi lại nhiệm kỳ kế tiếp đầy ắp những trăn trở, chất chứa day dứt về trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Đó là tình trạng còn có luật ban hành ra chưa đi vào cuộc sống. Đó là việc giám sát của các đoàn đại biểu ở các địa phương còn nể nang né tránh, còn ngại va chạm? Đó là cách tiếp xúc cử tri cần sát với dân, lắng nghe dân nhiều hơn.
Không trăn trở làm sao được khi kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Khi nợ công còn cao, bội chi vẫn cứ tăng. Khi bao bức xúc của cử tri vẫn đặt ra những vấn đề nóng bỏng về quốc kế dân sinh. Từ những biến động Biển Đông đến chính sách quản lý sử dụng đất rừng, đất lúa. Hàng giả hàng nhái, thực phẩm độc hại, nhập loạn hóa chất dân ăn cái gì cũng sợ độc, trong khi ngành Y tế không quản chặt, để cho hóa chất độc hại đi đâu, về đâu không hay, nói gì về vai trò quản lý của Nhà nước trong chăm lo sức khỏe cho người dân?
Không lo lắng sao được khi nói đổi mới đột phá là đi vào thể chế, cơ chế, con người và bộ máy. Nhưng thể chế, cơ chế xây dựng thế nào để đỡ đi sự hành dân và doanh nghiệp? Nói đoạn tuyệt với “xin - cho” vẫn cứ đẻ ra xin - cho? Nói bộ máy cồng kềnh cần tinh giản biên chế mà việc kiện toàn bộ máy thế nào cho gọn lại, giảm nhanh đi những công chức “vác ô” vẫn chỉ dừng ở nói trên các diễn đàn? Tham nhũng, lãng phí được coi là quốc nạn mà các địa phương, ban ngành đến Trung ương tìm mãi không thấy tham nhũng ở đâu? Các bộ, ngành nói nhiều, nhưng làm còn ít vẫn còn là những bức xúc của cử tri cả nước...
Thế nên, không ít ĐBQH đã nói rằng, nhiệm kỳ QH khóa XIII kết thúc nhưng đại biểu vẫn còn nặng nợ với cử tri.
Niềm tin gửi lại
Đất nước đang tạo ra những chuyển động mới từ cách lựa chọn nhân sự rất công phu, chặt chẽ của Đảng từ Đại hội XII. Rõ ràng, những bàn thảo kỹ lưỡng dân chủ, thống nhất đi đến nghị quyết và triển khai đầy quyết đoán trong công tác nhân sự đang diễn ra đã trở thành một cuộc bàn giao thế hệ lịch sử. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói rất chân thành, thẳng thắn trước khi QH thảo luận việc miễn nhiệm: Chúng ta không có mục đích, mục tiêu gì khác là sớm thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 12 của Đảng và quyết định của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, do đó cần phải có đội ngũ nhân sự có trách nhiệm phân công bắt tay ngay vào công việc.
Và chính những chuyển động tích cực của đất nước nhìn rõ từ cách làm nhân sự rất mới này của Đảng đã và đang khích lệ khiến cho lòng dân phấn chấn.
Ông Nguyễn Sinh Hùng tặng hoa chúc mừng nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam
Ngay sau khi QH thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia đối với Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng khi rời chính trường, bên hành lang kỳ họp, nguyên Chủ tịch QH đã nở nụ cười tươi, “tôi vui và bằng lòng”. Cũng như trước đó, chia sẻ với báo chí bên hành lang QH, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, làm người lãnh đạo có hai việc: Một là đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao thì hãy cố gắng làm cho tốt việc đó, làm hết sức mình; tận tâm, tận lực, rèn luyện mình để vượt qua chính mình, cố gắng cùng với tập thể và nhân dân làm cho tốt việc được giao. Thứ hai là chuẩn bị người thay thế mình cho tốt. “Chỉ có hai việc ấy thôi. Tôi thấy cả hai việc ấy tôi đều hoàn thành nhiệm vụ”, nguyên Chủ tịch QH đã nói.
Không thể nói rằng, một nhiệm kỳ để lại nhiều “món nợ” là một nhiệm kỳ không thành công với nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Những điều ông làm được đều đã trở thành dấu ấn được cử tri và đại biểu Quốc hội ghi nhận sâu sắc. “Cả nhiệm kỳ qua của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã hoàn thành tốt trọng trách của mình ở cương vị Chủ tịch QH. Ông điều hành dứt khoát, linh hoạt đem lại hiệu quả cao cho QH. Giữa 2 kỳ họp, ông điều hành kỳ họp của UBTVQH, điều hòa phối hợp hoạt động của HĐDT và các ủy ban, nhất là hoạt động lập pháp và hành pháp, chúng tôi đánh giá rất cao cách điều hành của Chủ tịch QH” - ĐBQH Lê Như Tiến nhìn nhận.
Theo ĐBQH Huỳnh Nghĩa khẳng định: ““Chủ công”, tư duy sắc sảo và tinh thần đổi mới trong chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã giúp QH khóa XIII thực sự đổi mới, mang hơi thở và nguyện vọng của cử tri cả nước. Sự điều hành của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng ở mỗi phiên họp toàn thể để lại dấu ấn về sự chuẩn mực, nhạy bén, sắc sảo trong quá trình xử lý vấn đề”.
Chúng tôi trân trọng và hoàn toàn tự hào về ông, đồng thời tin tưởng vào việc chuẩn bị nhân sự kế nhiệm của ông đã bao hàm cả tầm nhìn chiến lược cho tương lai của đất nước.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội
Chia tay người tiền nhiệm, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên thệ trước QH: “Kể từ giờ phút này luôn khắc ghi lời tuyên thệ của mình để thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, phát huy truyền thống cùng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”.
Chúng tôi và đồng bào cử tri cả nước đều tin khi cất lên những câu khắc ghi trong tận đáy lòng ấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hiểu sâu sắc rằng, đây không phải câu chuyện giữa hai cá nhân người mới - người cũ, mà đó thực sự là “Cuộc bàn giao lịch sử”, bao hàm cả sự kế thừa thành tựu, niềm tin, niềm tự hào cũng như bao trăn trở, tâm huyết vọng tiếng lòng của cử tri và ĐBQH, những điều còn dang dở, những điều còn chưa làm được của cả một nhiệm kỳ đã qua. Kinh tế - xã hội phía trước còn bao bề bộn với những “món nợ” cử tri... Tất cả đòi hỏi QH phải nhanh chóng đổi mới trong cách điều hành quản trị, đổi mới cách nghĩ cách làm để đất nước và dân tộc Việt Nam không bị tụt lại phía sau.
Để làm được điều đó, Chủ tịch QH cần nỗ lực hết sức mình, cùng các ĐBQH và cử tri cả nước bước vào nhiệm kỳ với khí thế mới, quyết tâm mới cùng chất lượng, bản lĩnh, trí tuệ được nâng lên nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Cử tri và nhân dân cả nước đều đang chờ đợi với niềm tin và hi vọng vào một tương lai tươi sáng bắt đầu từ “cuộc bàn giao lịch sử” này.
VIDEO