Sáng nay 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hnh tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016 - 2021.
Giám sát quy mô lớn
Trước khi Quốc hội tiến hành thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường cho biết: Đây là cuộc giám sát có quy mô và huy động một lực lượng lớn tham gia. Các cơ quan của Quốc hội trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách đã tham gia và đóng góp nhiều ý kiến về kế hoạch, đề cương, các báo cáo giám sát chuyên đề. Tất cả các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK, CLP tại địa phương.
Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu liên quan đến THTK, CLP, qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành trong công tác THTK, CLP; trong tổ chức triển khai thực hiện.
Trong kỳ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật THTK,CLP giai đoạn 2016 -2021, tình hình thế giới và khu vực có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, tác động đến phát triển kinh tế trong nước. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần phát triển KTXH đất nước.
Về tổng thể, công tác THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH đề ra, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững (bình quân 6,8% trong các năm 2016-2019). Đặc biệt đã thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi kinh tế trong các năm 2020-2021. Các cân đối lớn về kinh tế được bảo đảm, ngày càng vững chắc. Lạm phát được kiểm soát. Tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.
Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh chóng của tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nên hệ thống pháp luật chưa theo kịp tình hình, vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nhiều vấn đề tồn tại, phát sinh, vi phạm từ nhiều nhiệm kỳ trước kỳ giám sát chưa có căn cứ pháp lý để xử lý, cũng gây khó khăn cho việc xử lý, đánh giá kết quả công tác THTK, CLP của giai đoạn này.
Theo đó, tiêu chí đánh giá THTK,CLP cần có tính linh hoạt, phải được xem xét trên góc độ cụ thể và tổng thể, ngắn hạn và dài hạn; bối cảnh, hoàn cảnh giữa quá trình vận động có tính lịch sử, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Đồng thời, những hạn chế yếu kém về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, năng lực trình độ quản lý, ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức và cách thức tổ chức thực hiện,… mang tính chủ quan đã dẫn đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực quốc gia không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực toàn xã hội với giá trị rất lớn, nghiêm trọng, thậm chí có những lãng phí về cơ hội, về nguồn lực tổng hợp không thể đo đếm, xác định được.
Có những tồn tại, hạn chế không chỉ ảnh hưởng ở phạm vi của một lĩnh vực mà diễn ra trên phạm vi rộng, tác hại lớn hậu quả kéo dài cần được tập trung ưu tiên chấn chỉnh, khắc phục để tập trung mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tham mưu và xây dựng chính sách chưa đáp ứng được thực tiễn
Bên cạnh các kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết, công tác xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, đó là:
Chưa kịp thời tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số sắc thuế và một số cơ chế chính sách để thể chế hóa các văn bản của Đảng, Quốc hội và các Chiến lược ngành;
Công tác tham mưu, xây dựng và ban hành VBQPPL chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn , còn nhiều sơ hở, gây thất thoát, lãng phí lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên, đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khắc phục chậm, chưa triệt để .
Cá biệt có trường hợp ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chưa kịp thời, gây ra tác động tiêu cực, thất thu NSNN . Chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi không đầy đủ nhiều văn bản liên quan đến NSNN, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, tài sản công, đất đai, bất động sản, DNNN, tổ chức bộ máy, biên chế, lao động,…
Đáng chú ý, nhiều VBQPPL phải thường xuyên sửa đổi, bổ sung nhiều lần (số lượng văn bản sửa đổi, bổ sung chiếm tỷ trọng cao trong tổng số văn bản ban hành mới), trong đó nhiều quy định phải sửa đổi, bổ sung sau một thời gian ngắn ban hành. Khi sửa đổi không chú ý đến các điều khoản chuyển tiếp hoặc không hướng dẫn cụ thể việc xử lý chuyển tiếp, nên nhiều chính sách, pháp luật không đi vào đời sống. Việc áp dụng vào thực tế không khả thi, mâu thuẫn, chồng chéo. Các tồn tại, hạn chế này đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc cho quá trình tổ chức thực hiện , tạo điểm nghẽn, gây thất thoát, lãng phí, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết.
Hệ thống VBQPPL còn một số nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện . Cá biệt một số trường hợp ban hành không đúng thẩm quyền hoặc không đúng quy định của Luật.
Tình trạng ban hành VBQPP, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước còn lớn. Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 960 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước; Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 27.374 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn.
Trong lĩnh vực thu ngân sách, quản lý thuế: Chưa kịp thời ban hành VBQPPL thể chế các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội và các Chiến lược ngành . Hệ thống chính sách thuế được sửa đổi nhiều lần, nhưng còn chậm, chưa kịp thời, đầy đủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và triển khai lộ trình cải cách.
Còn trường hợp chưa kịp thời đề xuất sửa đổi các quy định thiếu thống nhất về thu, quản lý, sử dụng nguồn thu NSNN giữa các quy định pháp luật cho cùng một đối tượng. Cơ chế quản lý tài chính, quy định một số khoản chi còn thiếu nhất quán hoặc chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chưa được phát hiện hoặc sửa đổi kịp thời.
Việc ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trên nhiều lĩnh vực, cả trung ương và địa phương còn chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Nhiều tiêu chuẩn, định mức, chế độ lạc hậu, không còn phù hợp, nhưng chưa kịp thời xem xét rà soát, sửa đổi bổ sung.
Đáng chú ý, Luật THTK,CLP năm 2013 chưa đảm bảo đồng bộ với một số Luật chuyên ngành liên quan. Chưa quy định cụ thể tiêu chí đánh giá việc THTK,CLP trong các lĩnh vực.
Những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tham mưu, ban hành chính sách, pháp luật về THTK, CLP và liên quan đến THTK, CLP đã ảnh hưởng rất lớn trong công tác THTK, CLP trong giai đoạn vừa qua, tạo nên những điểm nghẽn, gây lãng phí, thất thoát rất lớn các nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội. Các lãng phí, thất thoát này, không chỉ nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi nhiều cơ hội và nguồn lực tổng hợp khác để xây dựng, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội...