Ít nhất 144 người đã thiệt mạng và hơn 730 người bị thương trong trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar, người đứng đầu chính phủ quân sự Myanmar cho biết.
Quy mô thiệt hại thực sự gây ra bởi trận động đất lớn 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar hôm 28/3 vẫn chưa rõ ràng ở giai đoạn này. Với nhiều năm nội chiến, rất khó để thu thập thông tin chính xác từ đất nước này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và các chuyên gia khác đã đưa ra manh mối về mức độ hỗn loạn trên thực địa khi Myanmar - quốc gia không được trang bị để đối phó với thiên tai quay cuồng sau thảm họa.
Ít nhất 144 người đã thiệt mạng và hơn 730 người bị thương trong trận động đất mạnh 7,7 độ richter xảy ra ở Myanmar, người đứng đầu chính phủ quân sự Myanmar cho biết.
CNN đưa tin, Hari Kumar, một kỹ sư xây dựng và điều phối viên khu vực của tổ chức phi chính phủ GeoHazards International ở Nam Á, cho biết, ông đã nhận được thông tin từ bạn bè rằng, Bệnh viện Đa khoa Mandalay ở Myanmar đã kín chỗ và không còn tiếp nhận bệnh nhân.
"Điều này thực sự đáng buồn vì đó là bệnh viện duy nhất (trong khu vực) dành cho người dân. Rõ ràng là có rất nhiều, rất nhiều người bị thương", ông nói.
Bệnh viện Mandalay bị mất điện và nước. "Khả năng điều trị bệnh nhân của họ bây giờ sẽ bị hạn chế, điều này thực sự đáng buồn", Hari Kumar nói.
Mặc dù Bangkok không có động đất, nhưng các tòa nhà cao tầng của nó khiến thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những chấn động từ xa.
Fabrice Cotton, một nhà địa chấn học tại Trung tâm GFZ, cho biết, trận động đất này tương đương với trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023. Hơn 55.000 người được cho là đã thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong thảm họa đó.
Một dư chấn mạnh 6,4 độ richter cũng tấn công một khu vực khác của Myanmar, nơi 3 người thiệt mạng sau khi một nhà thờ Hồi giáo sụp đổ. Số người chết dự kiến sẽ tăng lên. Quân đội cầm quyền Myanmar cho biết, nhiều thường dân đã thiệt mạng và bị thương.
Trong khi đó, trận động đất đã khiến nhiều tòa nhà cách đó hàng trăm dặm ở Thái Lan sụp đổ. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng Bangkok. Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua để giải cứu 81 người được cho là bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà cao tầng đang được xây dựng trong thành phố.
Tại Myanmar, cơ sở hạ tầng yếu kém khiến nước này không có khả năng đối phó với các thảm họa thiên nhiên lớn. Các vùng đất nước được điều hành bởi nhiều nhóm dân quân, khiến việc thu thập thông tin đáng tin cậy trở nên cực kỳ khó khăn.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi chính quyền quân sự cầm quyền của Myanmar cho phép tiếp cận viện trợ nhân đạo cho tất cả các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất tàn phá.
Đến cuối ngày 28/3, chính quyền quân sự Myanmar đã mở các tuyến đường tiếp cận hỗ trợ quốc tế. Zaw Min Tun, phát ngôn viên của chính phủ quân sự, đã kêu gọi cung cấp vật tư y tế trong một bản tin đêm khuya trên truyền hình nhà nước, kêu gọi hiến máu do "rất nhiều" bị thương ở ba trung tâm đô thị.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp để đối phó với trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar và đang huy động trung tâm hậu cần ở Dubai để chuẩn bị vật tư cấp cứu.
WHO đang điều phối ứng phó động đất từ trụ sở chính ở Geneva "bởi vì chúng tôi coi đây là một thảm họa" với "rõ ràng là một mối đe dọa rất, rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe", phát ngôn viên Margaret Harris nói trong một cuộc họp báo.