Sau nhiều lần hẹn ti cũng c dịp gặp gỡ, tr chuyện với chị Ng Thị Tuyết Hồng (Ha giải viên- TAND quận Sơn Tr, TP Đ Nẵng), người c tiếng “mát tay” nhiều lần “nối duyên” thnh cng cho các cặp đi khi họ đưa nhau ra Ta để chấm dứt cuộc hn nhân của mình.
Chiều muộn, chị Ngô Thị Tuyết Hồng theo chân một cô gái trẻ ra đến hành lang trụ sở TAND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Trước lúc cô gái rời đi, chị Hồng vẫn không ngừng động viên cô cố gắng suy nghĩ thật kỹ, rộng lượng với bản thân và rộng lượng với chồng để các con có một gia đình trọn vẹn.
“Đôi khi chỉ là chuyện nhỏ nhặt nhưng không được đối phương lắng nghe, chia sẻ nên khoảng cách giữa hai người ngày một nới rộng, dẫn đến không còn tiếng nói chung. Thực ra, chồng của cô bé ấy đã rất hối hận, không muốn ly hôn…”, vừa nói về trường hợp đương sự lúc nãy, chị Hồng vừa kéo ghế để hai chị em ngồi.
Chị cười hiền, “kiên trì, quyết tâm cao và dùng sự chân thành để làm việc, đó là những thứ không thể thiếu của một hòa giải viên”. Trong từng câu chuyện chị kể, tôi thấy được niềm vui, cũng thấy được những trăn trở, suy tư trong đáy mắt.
Nói về những kinh nghiệm trong thực tế hòa giải của mình, chị Hồng cho hay, muốn làm tốt công tác hòa giải, các hòa giải viên phải thường xuyên tìm hiểu thêm kiến thức pháp luật, nhất là những Bộ luật liên quan đến các sự việc thường gặp, như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai và các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải.
Với cá nhân chị Ngô Thị Tuyết Hồng đã có 32 năm công tác tại ngành Viện Kiểm sát, đặc biệt trước khi nghỉ hưu chị là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đây được coi là “thế mạnh” của chị khi làm Hòa giải viên.
Chị Hồng cho hay, sự am hiểu về pháp luật sẽ giúp cho quá trình hòa giải, tư vấn, khuyên giải các đương sự ở góc độ pháp lý, ở nhiều khía cạnh… cụ thể, sinh động, rõ ràng và dễ hiểu hơn. Từ đó, các đương sự có những cách nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhắc đến hai chữ “mát tay” mà đồng nghiệp đặt cho chị khi hòa giải đoàn tụ được cho nhiều cặp, chị Hồng cười nói: “Từ khi thực hiện thí điểm hòa giải Tòa án cho đến nay tỷ lệ hòa giải thành nói chung và hòa giải đoàn tụ hôn nhân gia đình nói riêng của tôi đạt kết quả tương đối cao. Chỉ tính riêng cá nhân tôi trong năm 2022, thụ lý 66 vụ/việc, trong đó có 49 đơn ly hôn thì hòa giải đoàn tụ 9 vụ. Các năm trước đó, số vụ hòa giải đoàn tụ còn nhiều hơn. Phần lớn các đương sự ly hôn tuổi rất trẻ, nguyên nhân chủ yếu là bạo lực gia đình, mâu thuẫn từ vấn đề kinh tế, không có tiếng nói chung…”.
Theo chị Hồng, để có được kết quả như vậy đòi hỏi Hòa giải viên phải dùng sự chân thành để hóa giải mâu thuẫn, phải có năng lực, uy tín nghề nghiệp, kinh nghiệm sống phong phú, nhiệt tình kiên trì, quyết tâm cao thì mới đạt kết quả tốt nhất.
Hòa giải viên Ngô Thị Tuyết Hồng (bên trái) chia sẻ với PV về công tác hòa giải
Kể từ khi làm Hòa giải viên, đặc biệt đối với các trường hợp có đơn ly hôn chị luôn kiên trì đến cùng. “Chọn thời điểm gặp riêng vợ, chồng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng người. Phân tích đúng sai, thiếu sót, dùng kinh nghiệm sống của bản thân với vai trò là người mẹ, người vợ, người bà để đặt ra những trường hợp, những tình huống xảy ra khi một cuộc hôn nhân tan vỡ. Nếu một trong hai người (vợ/chồng) sai, sẽ phải phân tích đến cùng cái sai đồng thời khích lệ, động viên người đó đứng ra nhận lỗi và xin lỗi. Đối với người còn lại, cũng cần khơi gợi để họ mở lòng, rộng lượng cho đối phương cơ hội để sửa sai lầm. Sau đó, tiến hành mời hai bên lên để có một buổi làm việc chính thức”, chị Hồng chia sẻ.
Để hòa giải đoàn tụ thực sự khó, đặc biệt là các trường hợp đã ly thân (mỗi người đã sống ở mỗi địa chỉ nhà khác nhau). Trong các trường hợp đó càng đòi hỏi Hòa giải viên phải bỏ công, kiên trì, nói không với “đại khái qua loa” mới mong đạt được kết quả như mong muốn.
Có những trường hợp còn thương nhau nhưng vì không có sự thấu hiểu, sẻ chia trong cuộc sống nên lâu dần họ không còn tiếng nói chung. Ai cũng muốn giữ lấy cái tôi của mình cho mình và cuối cùng buộc một trong hai người quyết định gửi đơn ly hôn.
“Sau 4 năm tham gia làm Hòa giải viên tại TAND quận Sơn Trà, tôi vui mừng vì bản thân đã thực hiện “nối duyên” thành công cho nhiều cặp đôi. Nhận được những cái bắt tay, những lời cảm ơn của đương sự khi họ giữ được cuộc hôn nhân trước nguy cơ tan vỡ… tôi cũng như đồng nghiệp thực sự hạnh phúc vô cùng. Mong rằng, trong cuộc sống các cặp đôi cần lắng nghe nhau nhiều hơn, chia sẻ nhau nhiều hơn để giữ lửa gia đình, để có một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn cho các con của mình”, chị Hồng tâm sự.
Nói về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án TAND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết, hiện đơn vị có 3 Hòa giải viên, trong đó 1 Kiểm sát viên đã nghỉ hưu và 2 Luật sư đã có nhiều năm tham gia tư vấn, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức.
Tất cả các Hòa giải viên đều đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại; có trình độ, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu công việc, là những người có kinh nghiệm trong công tác pháp luật; tâm huyết, nhiệt tình, có sự nỗ lực cố gắng để hòa giải, đối thoại đạt kết quả.
“Hòa giải viên Ngô Thị Tuyết Hồng là một người trong những Hòa giải viên đạt tỷ lệ hòa giải thành cao, trong đó phải kể đến kết quả hòa giải đoàn tụ. Quá trình làm việc đồng chí Hồng luôn nhiệt tình, trách nhiệm, bắt tay tìm hiểu kỹ sự việc ngay khi nhận đơn, hòa giải làm sao thấu tình đạt lý nhất có thể. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác nhưng đồng chí Hồng và các đồng nghiệp đã đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, Chánh án TAND quận Sơn Trà nói thêm.
Quyết định kết thúc cuộc hôn nhân của một người không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác, quyết định buông tay, muốn một lần chặt đứt cái sự dây dưa của đối phương nhiều khi không hẳn đã hết yêu… Cho nên cần lắm một người nắm tay, kéo ghế ngồi nghe những tâm sự tận đáy lòng người trong cuộc, cần lắm những người hữu tâm, tỉ mẫn nối lại “sợi dây duyên” và cũng sẽ cần lắm những cán bộ Hòa giải viên tâm huyết với nghề chị Ngô Thị Tuyết Hồng của đơn vị TAND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng.