Chiều 25/9, TAND tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan, tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề với cử tri TAND tỉnh Thanh Hóa về Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Tham dự Hội nghị có các đại biểu: Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội; Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở, ngành liên quan.
Sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 1 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH, ngày 2/6/2023.
Bố cục của dự thảo luật gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.
Phát biểu tại buổi hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), và cho rằng việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp và dự thảo luật là hết sức cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế; đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án; thống nhất với quy định theo hướng Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; cần đặt ra trách nhiệm của Tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế; đóng góp ý kiến về ngạch Thẩm phán, nhiệm kỳ Thẩm phán…
Các đại biểu cũng đã nêu thêm một số ý kiến như: cần làm rõ địa vị pháp lý của hội đồng tư pháp quốc gia; khi thành lập hội đồng tư pháp quốc gia cần nâng cao vai trò giám sát đối với Viện kiểm sát; không hạn chế thời gian ghi âm, ghi hình tại phiên toà…
Phát biểu tại hội nghị, ĐBQH Mai Văn Hải, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đánh giá cao các ý kiến đóng góp, nội dung góp ý chất lượng, tâm huyết, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án Luật. Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.