Tối 19/4, tại xã Trí Nang, UBND huyện Lang Chánh (tỉnh Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội Chí Linh Sơn năm 20, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược tại núi rừng Lam Sơn. Trên con đường đánh đuổi giặc Minh, nghĩa quân đã gặp muôn vàn khó khăn. Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa, do lực lượng không tương quan nên nghĩa quân thường phải gánh chịu các trận càn quét của giặc Minh, bị tiêu hao rất lớn về lực lượng.
Trước sự vây ráp và lùng sục ráo riết của quân Minh, Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ vùng đất Lam Sơn tiến sâu hơn nữa vào vùng núi Chí Linh. Bị quân giặc bao vây ráo riết hòng bắt chủ tướng Lê Lợi, Lê Lai đã đổi áo liều mình cứu chúa, cải trang thành “Chúa Lam Sơn” lĩnh 500 quân và hai chiến voi xông ra tập kích quân Minh.
Giặc Minh bắt được Lê Lai tưởng là Lê Lợi bèn rút quân về, sau đó xử Lê Lai bằng những hình phạt cực kỳ tàn ác, Lê Lai hy sinh. Chính nhờ sự hy sinh anh dũng đó, Lê Lợi và nghĩa quân được giải vây và tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trường kỳ chiến đấu chống quân Minh.
Vào các năm 1418, 1419, 1422 Lê Lợi và nghĩa quân 3 lần rút quân lên núi Chí Linh để nương náu. Trong thời gian này, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn cùng với đồng bào dân tộc ở địa bàn Lang Chánh đùm bọc lẫn nhau, đồng cam cộng khổ chiến đấu chống quân thù.
Năm 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt ách đô hộ của giặc Minh, đất nước được giải phóng, dân tộc được độc lập. Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm ấy, rừng núi Chí Linh và con người Lang Chánh đã đóng góp một phần cực kỳ quan trọng để làm nên chiến thắng vĩ đại.
Lễ hội Chí Linh Sơn năm 20 diễn ra với chuỗi các hoạt động như: Cuộc thi Người đẹp trong trang phục dân tộc Thái - Mường; Hội thao với các môn bóng chuyền hơi, kéo co, ném còn; trưng bày và giới thiệu sản phẩm truyền thống...
Các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã Trí Nang nói riêng, huyện Lang Chánh nói chung, đồng thời giới thiệu, quảng bá những nét đẹp về truyền thống quê hương, giới thiệu về thiên nhiên, bản sắc văn hoá, vẻ đẹp của đất và người Lang Chánh.
Qua đó tạo điểm nhấn để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển du lịch, khơi dậy khát vọng phát triển kinh tế - xã hội từ du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh.
Ngay sau khai mạc lễ hội, các đại biểu và du khách đã thưởng thức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Vang vọng Chí Linh Sơn”, gồm các tiết mục sân khấu hóa tưởng nhớ công lao to lớn của anh hùng dân tộc Lê lợi, Lê Lai và nghĩa quân Lam Sơn cũng như những đóng góp của nhân dân các dân tộc huyện Lang Chánh trong những cuộc chiến chinh bảo vệ non sông, đất nước.