Tối 18/4 (tức ngày 10/3 năm Giáp Thìn), UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) tổ chức khai mạc Lễ hội đền Tiên La năm 20. Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động văn hóa dân gian phong phú trên mảnh đất cổ Đoan Hùng - Tân Tiến.
Lễ hội Tiên La diễn ra từ ngày 18 đến 22/4/20, với chủ đề “Tiên La Thánh tích” nhằm diễn tả thân thế, sự nghiệp của Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục.
Trong các ngày diễn ra lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ, hầu đồng cổ truyền, phần hội diễn ra các hoạt động như: hội thi giã bánh giầy, liên hoan các câu lạc bộ chèo, têm trầu cánh phượng, cờ biển, pháo đất, liên hoan hát văn, kéo co... Trong lễ hội còn bảo tồn 2 loại hình nghệ thuật mang tính quần chúng là hát ca trù và hát văn (kèm hầu bóng).
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu và du khách thập phương dâng hương tưởng nhớ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục. Cũng trong ngày khai mạc lễ hội đã diễn ra lễ rước nước tế lễ, mở đầu là đội tế nữ quan của làng Tiên La, sau đến các đội tế của các làng lân cận.
Lễ hội Tiên La gắn liền với tín ngưỡng phụng thờ Đông Nhung Đại tướng quân Vũ Thị Thục, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng. Lễ hội Tiên La mang đậm đặc trưng nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện qua nghi thức rước nước cầu mưa thuận gió hòa cũng như để bày tỏ lòng thành kính với thiên nhiên. Lễ hội là không gian văn hóa, văn nghệ bao trùm trên địa bàn toàn huyện, các vùng phụ cận và thể hiện rõ nét nhất tại hai xã Đoan Hùng và Tân Tiến.
Hiện nay, tại xã Đoan Hùng và Tân Tiến có 4 di tích cấp quốc gia gồm: đền Tiên La, chùa Tiên La (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1986), đền Rẫy và đền Buộm (xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990). Các di tích này đều gắn liền với việc phụng thờ Bát nạn Tướng quân Vũ Thị Thục.
Lễ hội Tiên La thường được tổ chức thời gian từ khoảng mồng 10 đến 20/3 (âm lịch) hằng năm. Trong đó, ngày mất của tướng quân Vũ Thị Thục (17/3 âm lịch) là ngày chính hội.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc còn hiện hữu, năm 2016, lễ hội Tiên La đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.