Sức Khỏe

Lắp ngón chân thành ngón tay cho bệnh nhân bị tai nạn lao động

Chí Tâm 02/10/2023 - 14:

Bệnh nhân nữ 30 tuổi bị máy làm gạch cuốn đứt dập đứt bàn tay phải, vừa được bác sĩ lấy 2 ngón chân tạo hình thành 2 ngón tay.

Cách đây khoảng 3 tháng, người phụ nữ 30 tuổi bị tai nạn lao động, máy làm gạch cuốn đứt hoàn toàn bàn tay phải, nhổ toàn bộ gân gấp và duỗi các ngón tay phải từ I đến V.

Sau tai nạn, bệnh nhân được sơ cứu tại bệnh viện huyện và một số cơ sở y tế khác trước khi tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

gontay.png
Hai ngón chân được phẫu tích chuyển lên tạo hình hai ngón tay. Ảnh: BVCC

Bác sĩ Hoàng Hồng - Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân đến bệnh viện này trong tình trạng tổn thương phức tạp, chi đứt tổn thương dập nát, bị nhổ hết các gân gấp duỗi các ngón tay. Bệnh nhân đã đi qua rất nhiều bệnh viện trước khi được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y. Bên cạnh đó, việc xử lý, bảo quản chi thể đứt rời cũng không đúng cách, phần chi thể đứt rời bị dính nhiều đất cát.

Sau thăm khám, hội chẩn, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ nhận định: Đây là một ca lâm sàng khó, vì tổn thương phức tạp, bệnh nhân đến muộn, xử lý bảo quản phần chi đứt rời chưa đúng cách… Các bác sĩ tiên lượng trong các ngón tay, có ngón III còn có hy vọng phục hồi nên đã thực hiện vi phẫu nối giữ ngón III, chuyển ngón III thành ngón cái trong ca mổ cấp cứu.

Sau khi chuyển ngón III thành ngón cái thành công, phần mềm tay tổn thương được điều trị ổn định. Để giúp bệnh nhân có thể phục hồi chức năng của tay, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật lần hai, lấy 2 ngón chân đưa lên tạo hình 2 ngón tay nhằm tạo cung cầm nắm cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Hồng, ê-kíp mổ đã thực hiện phẫu thuật kết xương bàn ngón chân với xương bàn ngón tay, bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo các ngón V, IV bàn tay phải bằng hai ngón chân II, III bàn chân trái.

Các bác sĩ sử dụng gân gan tay dài để tạo gân ghép, sử dụng các gân gấp duỗi cổ tay để tái tạo gân gấp duỗi ngón cái và tái tạo gân gấp duỗi ngón tay để nối với gân của ngón bàn chân chuyển lên, giúp cho các ngón tay ghép vận động được các động tác gấp duỗi.

Thực hiện nối động tĩnh mạch phục hồi tuần hoàn, nối dây thần kinh chi phối cảm giác cho 2 ngón chân ghép vào nhánh nông thần kinh quay để phục hồi cảm giác, ca mổ diễn ra thuận lợi trong 6 tiếng.

Do toàn bộ gân gấp duỗi của các ngón tay khi bị tai nạn đã bị nhổ hết nên bác sĩ đã phải sử dụng nhóm các gân gấp duỗi ở cổ tay để tái tạo, nối với gân gấp duỗi của ngón tay được chuyển lên từ ngón chân. Đây là kỹ thuật khó, cần các phẫu thuật viên kinh nghiệm chuyên sâu, cũng chưa từng thực hiện hay được báo cáo trong y văn Việt Nam, bác sĩ Hồng cho hay.

"Việc chuyển ngón chân lên ngón tay trong trường hợp các gân gấp duỗi ngón tay không còn sẽ phức tạp hơn nhiều so với trường hợp mất các ngón tay nhưng vẫn còn đoạn các gân gấp duỗi", bác sĩ Hồng nói.

Hiện, sau hai tuần mổ, các ngón tay ghép từ ngón chân hồng ấm, sống hoàn toàn. Bệnh nhân có thể thực hiện các động tác như buộc tóc, cầm bàn chải, hay cầm nắm được một số đồ vật, tự cầm thìa, đũa để ăn uống. Thậm chí, người bệnh có thể sử dụng bàn tay với các ngón tay được ghép vào những hoạt động tinh xảo như xâu kim, vẽ tranh.

Từ trường hợp trên bác sĩ khuyến cáo, để tránh xảy ra các tai nạn lao động đáng tiếc thì người dân nên tuân thủ các quy định về an toàn lao động, cũng sử dụng bảo hộ lao động an toàn, hợp lý theo quy định.

Nếu không may xảy ra bị tai nạn lao động đứt rời chi thì phần chi thể đứt rời phải được xử lý bảo quản đúng: rửa sạch phần chi đứt rời dưới vòi nước, bọc kín bằng gạc sạch cho vào túi nilon cột kín, rồi cho vào thùng nước đá lạnh và đưa bệnh nhân tới cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu có thể cấp cứu, và xử lý phẫu thuật cho bệnh nhân.

Cần tránh trường hợp đến muộn hay xử lý phẫu thuật không tốt thì đầu sẽ gây tàn phế, khó khăn cho tạo hình phục hồi chức năng chi thể của bệnh nhân sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắp ngn chân thnh ngn tay cho bệnh nhân bị tai nạn lao động