Tối 9/5, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng, Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử mở rộng “Hải Phòng - Miền di sản 20” chính thức khai mạc.
Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong tháng 4 và tháng 5/20, kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2023) và hưởng ứng Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 20.
Liên hoan diễn ra trong 2 ngày, từ 20 giờ - 21 giờ, các ngày 9 và 10/5/20, tại quảng trường Nhà hát thành phố Hải Phòng.
Chương trình quy tụ các nghệ sĩ, diễn viên của các nhà hát cải lương hai miền Nam, Bắc gồm: Đoàn Cải lương Hải Phòng, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Mở đầu liên hoan, các nghệ sĩ cải lương mang tới khán giả bản hòa tấu Đoản khúc Lam giang, Phú Lục, Tây Thi, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo… Đến với Liên hoan, khán giả cũng được thưởng thức làn điệu vọng cổ Dạ cổ hoài lang, Dòng sông quê em, hòa tấu dàn nhạc Lưu thủy trường.
Đặc biệt là trích đoạn “Cung phi Điểm Bích”, câu chuyện kể về Vua Trần Anh Tông vì không tin Lý Đạo Tái đã từ bỏ mọi chức tước, quyền uy lên núi tu hành, Người đã cử cô cung nữ tài sắc vẹn toàn là cung phi Điểm Bích lên núi Yên Tử để thử thách vị chân tu, nhưng cung phi Điểm Bích đã thất bại trước đức độ sáng trong của người.
Thông qua liên hoan này, nhân dân thành phố và du khách càng hiểu hơn về nghệ thuật Đờn ca tài tử, nguồn gốc bài ca vọng cổ, cải lương với những làn điệu có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người dân Nam bộ, được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, được tạo ra từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và kết hợp với các làn điệu dân ca ngọt ngào, sâu lắng của các địa phương, vùng, miền khác nhau của Nam bộ.
Nền tảng của các bài bản của đờn ca tài tử là 20 bản tổ, dân gian thường gọi là 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 bài. Giới đờn ca tài tử còn chia bài bản tài tử ra thành 10 loại, đồng thời lưu truyền câu đối: “Thức thời tối thiểu làu thông nhị thập huyền tổ bản; Quán thế thậm đa lịch luyện thất thập nhị huyền công”, nghĩa là người hiểu biết về Đờn ca tài tử không chỉ am tường tối thiểu 20 bản tổ mà còn phải biết thông suốt 72 bài bản khác nhau.