Ngoài việc xây dựng Luật Nhà giáo, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nghiên cứu, soạn thảo để ban hành Luật Học tập suốt đời.
Vừa qua tiểu ban Giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa tổ chức họp và đề xuất khung Luật Học tập suốt đời.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời chủ trì phiên họp, đánh giá cao ý nghĩa của phiên họp khi được tổ chức vào ngày đầu tiên của Tuần lễ học tập suốt đời năm 20, phát động, khuyến khích xây dựng văn hoá đọc để thúc đẩy học tập suốt đời trong mỗi người dân.
Nhấn mạnh vai trò của học tập suốt đời, Thứ trưởng khẳng định “học tập suốt đời không bao giờ là đủ và hết sức cần thiết”. Theo Thứ trưởng, trải qua lịch sử dựng nước và giữ nước với nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là công tác khuyến học, khuyến tài và gần đây nhất là cuộc vận động xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định thời gian qua, có rất nhiều kế hoạch, đề án được thực hiện với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho tất cả mọi người. Đến thời điểm này, những chương trình, đề án đó cần phải được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân.
Dự kiến, Luật Học tập suốt đời cụ thể hoá các quan điểm chỉ đạo, đường lối của Đảng về học tập suốt đời và xã hội học tập, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết 29. Đây được xem là một văn bản luật có vị trí độc lập tương đối với các luật chuyên ngành khác về lĩnh vực giáo dục như Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và sắp tới là Luật Nhà giáo.
Luật Học tập suốt đời bổ sung, mở rộng và hoàn thiện các vấn đề về lĩnh vực học tập suốt đời chưa được đề cập một cách đầy đủ, toàn diện trong Luật Giáo dục 2019 và các luật khác về giáo dục. Về định hướng lâu dài trong các bước tiếp theo của tiến trình xây dựng văn bản pháp quy, Luật Học tập suốt đời cần được xây dựng như một luật chi tiết với các quy định cụ thể, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời để có thể dễ dàng áp dụng vào thực tiễn, không nhất thiết phải có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Luật Học tập suốt đời tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực học tập suốt đời; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người; nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, ý nghĩa của học tập suốt đời và sự đóng góp của học tập suốt đời đối với nâng cao chất lượng vốn con người và tính cạnh tranh của nguồn nhân lực quốc gia.
Đề xuất dự thảo khung Luật học tập suốt đời dự kiến các nội dung gồm: Những quy định chung; quản lí nhà nước về học tập suốt đời; các tổ chức, cá nhân cung ứng cơ hội học tập suốt đời; chương trình, nội dung, tài liệu, hình thức học tập suốt đời; đánh giá và công nhận kết quả học tập suốt đời; giảng viên/hướng dẫn viên, cán bộ quản lí học tập suốt đời, và người học; huy động nguồn lực cho và tạo môi trường thuận lợi cho học tập suốt đời và điều khoản thi hành.
Đối với Luật Nhà giáo, sau một thời gian nghiên cứu, xây dựng, lấy ý kiến nhiều lần của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân. Bộ GD&ĐT đang nỗ lực hoàn thiện để được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 với nhiều nội dung quan trọng.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo đã đề xuất ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong các ngành. Đây là tin vui với hàng triệu thầy cô trên cả nước. Bên cạnh đó, dự thảo còn có nhiều đề xuất mới, giúp đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhà giáo.