Hiểu rõ về Thông tư 29/20/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà đã nghiêm túc thực hiện cùng đó là tiến hành làm các thủ tục cần thiết để có thể dạy thêm ngoài giờ lên lớp.
Thực hiện theo Thông tư 29/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên đã nắm vững nội dung và chấp hành nghiêm túc các quy định. Đồng thời, các trường học cũng tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện đúng thủ tục đăng ký dạy thêm bên ngoài, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho giáo viên, học sinh và chất lượng giáo dục.
Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà - Tổ trưởng Tổ Khoa học Tự nhiên – Trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội cùng một số đồng nghiệp đã chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng các điều khoản, đặc biệt là các quy định về đối tượng học sinh, thời gian tổ chức, địa điểm dạy thêm, mức thu học phí. Những điểm mới trong thông tư đã giúp giáo viên nhận thức rõ về trách nhiệm và quyền lợi của mình khi thực hiện dạy thêm.
“Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, học sinh sẽ được chọn giáo viên phù hợp với mình. Còn đối với giáo viên chúng tôi sẽ chứng minh được năng lực giảng dạy đối với nhiều học sinh khác”, cô giáo Hà cho biết thêm.
Nhận thấy nhu cầu dạy thêm của giáo viên và học thêm của học sinh, nhiều trường đã có các biện pháp hỗ trợ, hướng dẫn giáo viên hoàn tất thủ tục đăng ký dạy thêm theo đúng quy định.
Bà Lê Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông, TP Hà Nội cho biết, ban giám hiệu nhà trường đã tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên hiểu rõ thông tư 29. Đồng thời, khuyến khích giáo viên thực hiện đúng quy trình, quy định về đăng ký dạy thêm. Điều này không chỉ giúp giáo viên an tâm giảng dạy mà còn đảm bảo quyền lợi cho học sinh và gia đình.
Bày tỏ quan điểm về Thông tư 29, Bà Lê Minh Nguyệt cho rằng, Thông tư 29 đã góp phần tạo nên một nền giáo dục hiệu quả, công bằng cho học sinh, giáo viên. Việc các giáo viên năng lực và phẩm chất tốt sẽ kết hợp với một số trung tâm dạy ở bên ngoài nhà trường là điều hoàn toàn phù hợp cả về tình và lý. Do đó, nhà trường hoàn toàn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia dạy ở các trung tâm bên ngoài nhà trường nhưng phải đảm bảo tuân thủ tuyệt đối Thông tư 29.
Nếu có phát hiện các trường hợp vi phạm thông tư 29 thì chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm một các phù hợp. Ông Thông cho biết thêm.
Việc giáo viên nghiêm túc thực hiện Thông tư 29 và sự hỗ trợ tích cực từ nhà trường đã giúp công tác dạy thêm đi vào khuôn khổ, đúng quy định. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của giáo viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hoạt động giảng dạy.
Một số điểm mới của Thông tư 29/20/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Tại khoản 1 Điều 4 Các trường hợp không được dạy thêm quy định: “1. Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống.’
Tại khoản 2 Điều 4 quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Tại khoản 1 Điều 5 quy định về dạy thêm trong nhà trường quy định:
“1. Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn học như sau:
a) Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt;
b) Học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi;
c) Học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng kí ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Tại điểm b khoản 4 Điều 5 quy định mới về xếp thời khóa biểu quy định: “b. Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường”.
Theo quy định của thông tư mới, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải tăng cường công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ sở dạy thêm hoặc niêm yết tại cơ sở dạy thêm về các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm nhằm tăng cường sự giám sát của toàn dân và sự quản lý an toàn, an ninh của cấp xã đối với cơ sở dạy thêm.
Ngoài việc nơi tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng.
Tại khoản 2 Điều 7 Quản lý thu tiền dạy thêm, học thêm quy định: Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm. Việc thu, quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Tại khoản 1, 2 Điều 16 nêu rõ:
“1. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lí theo quy định của pháp luật”.