Sau năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TU, số lượng tổ chức đảng, đoàn thể và số đảng viên, đoàn viên, hội viên tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập đều tăng cao hơn so với thời điểm ban hành Nghị quyết.
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 10/11/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về “xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập”, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai các nội dung, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.
Theo báo cáo, đến nay, sau năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TU, tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, số lượng tổ chức đảng là 789 (gấp 3,13 lần thời điểm ban hành Nghị quyết trên), 10.729 đảng viên (gấp 2,76 lần thời điểm ban hành Nghị quyết); 1.930 tổ chức công đoàn (gấp 2,12 lần thời điểm ban hành Nghị quyết), 266.454 đoàn viên công đoàn (gấp 2,56 lần), 444 tổ chức đoàn - hội liên hiệp thanh niên (gấp 5 lần), 19.025 đoàn viên, hội viên Hội liên hiệp thanh niên (gấp 1,8 lần).
Từ năm 2010 hết quý I/20, các cơ quan, đơn vị đã thành lập 510 tổ chức đảng, kết nạp 4.928 đảng viên, trong đó có 65 chủ doanh nghiệp tư nhân; thành lập 1.607 tổ chức công đoàn, kết nạp 302.968 đoàn viên công đoàn; thành lập 444 tổ chức đoàn - hội, kết nạp được 36.061 đoàn viên - hội viên. Các quận ủy, huyện ủy, Đảng ủy Khối doanh nghiệp và Đảng ủy Khu Kinh tế đã thường xuyên tiến hành khảo sát các doanh nghiệp để xác định đơn vị có điều kiện thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể. Trong tổng số 13.741 doanh nghiệp được khảo sát có 1.407 (=10,2%) doanh nghiệp có điều kiện thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, trong đó 85 đơn vị có điều kiện thành lập tổ chức đảng; 1.257 đơn vị có điều kiện thành lập tổ chức công đoàn; 32 đơn vị có điều kiện thành lập tổ chức đoàn thanh niên và 33 đơn vị có điều kiện thành lập tổ chức hội liên hiệp thanh niên.
Nhìn chung, trong các doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức đảng, đoàn thể, ý thức làm việc của người lao động có sự chuyển biến tích cực; doanh nghiệp hoạt động ổn định hơn, kết quả sản xuất kinh doanh được nâng lên rõ rệt so với trước khi thành lập, qua đó đã tạo được niềm tin và sự đồng thuận của chủ doanh nghiệp, nhất là chủ doanh nghiệp là người nước ngoài đối với hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể.
Những kết quả thực tế đã chứng minh việc xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo Nghị quyết số 28-NQ/TU là chủ trương đúng đắn, có giá trị và hiệu quả thực tiễn; cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TU; chưa tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nên chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kết quả thành lập tổ chức đảng, đoàn thể về tổng thể tuy có tăng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố...
Theo ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Thành ủy thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TU, để thực hiện chủ trương này tốt hơn nữa cần sự quyết tâm và những cách làm mới, sáng tạo từ cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố. Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải PHòng đề nghị cần quan tâm, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy và các cấp ủy trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Cấp ủy các cấp cần có giải pháp phù hợp và bước đi cụ thể trong kế hoạch tạo nguồn, phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nói riêng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tính chủ động trong tiếp xúc, tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp hiểu rõ chủ trương và lợi ích của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Cần quan tâm, bố trí Bí thư cấp ủy là người có uy tín, vai trò trong doanh nghiệp; kết nạp chủ doanh nghiệp, người trong bộ máy quản lý đủ tiêu chuẩn vào Đảng để tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc phát triển các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là phát triển đảng viên. Chú trọng chia sẻ kinh nghiệm quý, cách làm hay; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng thông qua quy trình hóa, mẫu hóa, chuẩn hóa các văn bản. Quan tâm nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí thành lập, duy trì hoạt động thường kỳ của các tổ chức đảng, đoàn thể; chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phù hợp với quy định hiện hành của Trung ương và phù hợp với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.