Nhận lời mời của Chính phủ Nhật Bản, Đon cán bộ cấp cao Chính phủ nước ta do Ph Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu thăm chính thức Nhật Bản từ ngy 1 đến ngy 5-7-2012.
Tham dự Đoàn cao cấp Chính phủ có Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử; Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Hoàng Việt; Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý; Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Lương Minh; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng.
Tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viện trong đoàn đã hội kiến Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện, hội đàm với Phó Thủ tướng Nhật Bản, gặp gỡ Chánh án Toà án tối cao Nhật Bản, tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, lãnh đạo JICA, các chính khách Nhật Bản…
Ngày 4-7, trong buổi làm việc với Chánh án Tòa án tối cao Nhật Bản Takesaki Hironobu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, các kết quả hỗ trợ và hợp tác của Tòa án tối cao Nhật Bản trong năm qua trong khuôn khổ dự án JICA đã góp phần nâng cao năng lực cho các cơ quan Tòa án Việt Nam trên nhiều phương diện, phù hợp với các yêu cầu cải cách tư pháp của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chánh án Tòa án tối cao Nhật Bản Takesaki Hironobu
Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, mà một trong những nội dung cơ bản là sẽ tập trung hoàn thiện thể chế về tổ chức Tòa án và thể chế về tố tụng tư pháp. Do đó Việt Nam mong muốn Tòa án Tối cao Nhật Bản cùng với Bộ Tư pháp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự - kinh tế, pháp luật tố tụng và đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư, nhất là đội ngũ luật sư công đủ khả năng đại diện cho Chính phủ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Chánh án Tòa án tối cao Nhật Bản hoan nghênh Đoàn cao cấp Chính phủ Việt Nam sang thăm và làm việc tại Nhật Bản, ông mong muốn trong khả năng có thể, giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và trên cơ sở hiểu biết về hệ thống pháp luật của Nhật Bản, hy vọng sẽ chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác lâu dài, thiết thực hiệu quả với các đồng nghiệp Việt Nam.
Cùng ngày, tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Taki Makoto, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển nhanh chóng, sâu rộng của quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản thời gian qua. Trong đó, có kết quả to lớn từ hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia cao cấp, cố vấn của Bộ Tư pháp Nhật Bản tại Việt Nam… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan tư pháp của hai nước tăng cường hợp tác trong công tác tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại và hình sự trong bối cảnh các giao dịch dân sự và thương mại giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Taki Makoto
Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, ngày 2-7, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn cấp cao của Chính phủ nước ta đã đến thăm trụ sở Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và tham dự cuộc tọa đàm cấp cao Việt Nam - Nhật Bản về cải cách tư pháp và pháp luật. Đoàn đã có các cuộc trao đổi với các học giả, các nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học như Giáo sư Takami Katsutoshi (Đại học Sophia), Giáo sư Yuzo Nakanishi (Đại học Chuo), Giáo sư Shinji Hasebe (Đại học Kyoto)… về các vấn đề như tăng cường hợp tác tư pháp Việt Nam - Nhật Bản, tranh luận những nội dung mà hai bên cùng quan tâm trong quá trình sửa đổi Hiến pháp tại Nhật Bản, Việt Nam và nhiều vấn đề khác như quyền tự trị của chính quyền địa phương..
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới. Thông qua chuyến thăm này, bên cạnh việc tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm của Nhật Bản về cải cách lĩnh vực pháp luật và ngành tư pháp, Phó Thủ tướng mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, đề nghị Nhật Bản mở rộng phạm vi hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành tư pháp Việt Nam, giúp đào tạo đội ngũ luật sư công đủ khả năng đại diện cho chính phủ tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế và hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các cơ quan tư pháp Việt Nam.
Đắc Minh