Tòa án địa phương

TAND huyện Hòa Bình (Bạc Liêu): Phối hợp chặt chẽ,nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại tại Tòa

Thành Nhớ 18/03/2023 09:01

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai. Đồng thời, tạo sự đồng thuận cao, xây dựng khối đại đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Thời gian qua, lãnh đạo TAND huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đã quán triệt và thực hiện tốt các nội dung công việc theo yêu cầu của Công văn số 188 ngày 03/12/2020 của TANDTC về triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, trong đó đặc biệt chú trọng việc chuẩn bị cơ sở vật chất và triển khai, tuyên truyền về nội dung của Luật, tạo tiền đề cho hoạt động hòa giải, đối thoại được thực hiện thuận lợi ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.

Năm 2022, số vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại TAND huyện Hòa Bình là 140 vụ, việc. Số vụ đã hòa giải thành là 130 vụ, việc đạt tỷ lệ 92,85%, trong đó vụ việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành là 130 vụ, số vụ việc người khởi kiện rút đơn là 10 vụ.

Tuy thời gian triển khai thi hành Luật chưa lâu nhưng các Hòa giải viên đã nhanh chóng tiếp cận công việc, sắp xếp thời gian khoa học, đảm bảo giải quyết đúng tiến độ, hòa giải các vụ việc đạt kết quả tốt, không có trường hợp nào để hồ sơ hòa giải, đối thoại quá thời hạn. Trong năm 2022, các Hòa giải viên đều hoàn thành tốt nhiệm vụ hòa giải, đối thoại, không có trường hợp nào bị người dân khiếu nại tố cáo về hoạt động hòa giải, đối thoại.

Từ khi triển khai thi hành Luật thì tất cả các trường hợp người dân đến nộp đơn khởi kiện tại Tòa án sẽ được bộ phận tiếp nhận đơn giới thiệu về hoạt động hòa giải, đối thoại và thông báo về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên để giải quyết tranh chấp, yêu cầu của mình trước khi giải quyết bằng thủ tục tố tụng.

TAND huyện Hòa Bình rất chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai thi hành Luật thông qua các hình thức. Thông qua công tác tiếp dân, các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ, việc tại Tòa án thì Thẩm phán, Thư ký cũng tích cực tuyên truyền, giới thiệu đến người dân về ý nghĩa thiết thực của Luật. Qua đó, người dân hiểu và tự nguyện lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại để giải quyết các vụ việc tranh chấp, yêu cầu.

Hiện nay, TAND huyện Hòa Bình có 6 Hòa giải viên. Đa số các Hòa giải viên trước đều là Thẩm phán, Kiểm sát viên đã nghỉ hưu, có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn nên tạo được sự tín nhiệm của đương sự, người dân khi lựa chọn hòa giải, đối thoại.

Hơn nữa, các Hòa giải viên đều là những người nhiệt huyết, có trình độ, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có kỹ năng hòa giải, có thể đáp ứng được yêu cầu của công tác hòa giải, đối thoại. Ngay khi được bổ nhiệm, các Hòa giải viên đã tích cực thực hiện nhiệm vụ, tiến hành các hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật, mang lại nhiều kết quả tích cực, có vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đã được hòa giải, đối thoại xong, người khởi kiện rút đơn khởi kiện.

ba-tao-thi-phuong-chanh-an-tand-huyen-hoa-binh-trinh-bay-tham-luan-ve-tang-cuong-cong-tac-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an-theo-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-toa-an-2023..jpg
Bà Tào Ngọc Phượng, Chánh án TAND huyện Hòa Bình trình bày tham luận về “Tăng cường công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo Luật hòa giải, đổi thoại” tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án 2023.

Để đạt được kết quả trên, lãnh đạo TAND huyện Hòa Bình thường xuyên nhắc nhở Thẩm phán khi được phân công phụ trách hồ sơ hòa giải, đối thoại phải phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Hòa giải viên về kỹ năng, kinh nghiệm và nhất là quy định của pháp luật có liên quan để Hòa giải viên tiếp cận và thực hiện công tác hòa giải, đối thoại thuận lợi, đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, Phó Chánh án phụ trách công tác hòa giải, đối thoại thường xuyên họp toàn thể Hòa giải viên để nắm bắt tình hình về công tác hòa giải, đối thoại, trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận dụng Luật vào thực tiễn.

Bà Tào Ngọc Phượng - Chánh án TAND huyện Hòa Bình cho biết, sau khi hòa giải, đối thoại tại Tòa án đi vào hoạt động, lãnh đạo TAND huyện thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ các Hòa giải viên, tạo điều kiện để các Hòa giải viên phát huy tinh thần, trách nhiệm nhằm nâng cao số lượng cũng như chất lượng các vụ, việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trước hết, tập thể cán bộ công chức Tòa án, nhất là người đứng đầu phải nhận thức rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng và hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó việc triển khai và thi hành Luật mới thật sự đạt hiệu quả. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tâm huyết, có kỹ năng hòa giải nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của hòa giải viên và giải quyết hiệu quả các tranh chấp ngay từ khi nhận đơn khởi kiện.

Tòa án cần giải thích rõ đối với người có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây được xem là biện pháp khả thi và hiệu quả, khi người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà hòa giải, đối thoại mang lại thì từ đó việc triển khai và thi hành Luật mới thật sự đạt hiệu quả cao.

Khi triển khai thi hành Luật, lãnh đạo phụ trách hòa giải, đối thoại của đơn vị phải quan tâm sâu sát, thường xuyên tổ chức các buổi họp với Hòa giải viên để lắng nghe Hòa giải viên trình bày, phản ánh những vướng mắc thường gặp trong công tác hòa giải, đối thoại, cùng trao đổi và tìm ra biện pháp khắc phục để Hòa giải viên yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thẩm phán được phân công phụ trách hòa giải, đối thoại đối với từng vụ việc phải có sự phối hợp chặt chẽ với Hòa giải viên nhằm hỗ trợ cho Hòa giải viên về pháp luật, kỹ năng và kinh nghiệm hòa giải để nâng cao chất lượng cũng như số lượng về việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thông qua việc triển khai thực hiện Luật, việc hòa giải, đối thoại thành đã giảm được một số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khỏi lượng công việc thực tế cho Thẩm phán, Thư ký.

Hiện Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã và đang được người dân trên địa bàn huyện Hòa Bình quan tâm, tìm hiểu; rất nhiều đương sự đã lựa chọn Hòa giải viên giải quyết đơn khởi kiện của mình sau khi được tuyên truyền về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Ha Bình (Bạc Liêu): Phối hợp chặt chẽ,nâng cao chất lượng ha giải, đối thoại tại Ta