Thủ tướng: Một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, gương mẫu

Xuân Lan| 03/06/2021 20:
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thủ tướng nêu r nội dung trên khi phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, diễn ra ngy 3/6.

phien-hop-thang-5.jpg
Thủ tướng chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021

Kinh tế - xã hội đạt kết quả tích cực, song vẫn có những hạn chế

Tại phiên họp Chính phủ thống nhất đánh giá, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp tại một số địa phương, nhưng kinh tế - xã hội 5 tháng và tháng 5 tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định; tăng trưởng tín dụng đạt 4,67%. Thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt hơn 50% dự toán năm, tăng ,2% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng ước tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Sản xuất nông nghiệp thuận lợi, phát triển ổn định. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng ước đạt hơn 262 tỷ USD, tăng 33,5%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi, đạt 14 tỷ USD. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 5 tháng đạt 55,8 nghìn doanh nghiệp, cao nhất trong 5 năm qua.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm an ninh, an toàn và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Việt Nam được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực. Trong thời điểm khó khăn, một điểm sáng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường, ý Đảng hợp lòng dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đạt được kết quả nêu trên là nhờ thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; sự điều hành quyết liệt, đúng hướng, có hiệu quả của các cấp chính quyền; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường và giữ vững.

Tuy nhiên, vẫn còn những nơi, những lúc bị động, lúng túng trong phòng chống dịch, có những cơ quan chưa kịp thời, hiệu quả trong thực hiện các giải pháp. Đầu tư công vẫn chậm, gặp khó khăn, chưa đạt mục tiêu về mặt tiến độ. Nhập siêu trở lại do giá nguyên liệu đầu vào tăng và nhu cầu nhập khẩu tăng cao để phục vụ sản xuất, trong khi đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh, đây là dấu hiệu cần chú ý để tìm giải pháp. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào đầu tư nước ngoài. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính còn nhiều rườm ra. Một bộ phận người dân, người lao động mất việc làm, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Chiến lược vaccine triển khai còn chậm. Tội phạm, nhất là tội phạm trên mạng xuất hiện nhiều và ảnh hưởng xã hội tương đối lớn. Công tác thông tin - truyền thông, tuyên truyền vận động người dân còn hạn chế.

“Phải nhìn thẳng vào sự thật để suy nghĩ, cùng nhau giải quyết, Chính phủ gương mẫu về vấn đề này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên trì kiềm chế, đẩy lùi làn sóng dịch bệnh, khôi phục kinh tế

Những vướng mắc, hạn chế này có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Một số bộ, ngành chưa nắm chắc, bám sát tình hình nên đưa ra giải pháp chưa phù hợp, kém hiệu quả, điều hành lúng túng. Vẫn còn những vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ.

thu-tuong-phien-hop-thang-5.jpg
Thủ tướng: Phải nhìn thẳng vào sự thật để suy nghĩ, cùng nhau giải quyết

Một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt, gương mẫu trong tổ chức và điều hành công việc thuộc phạm vi chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ được giao. Thủ tục hành chính còn rườm rà, vướng mắc. Vẫn còn cơ chế xin-cho và tâm lý trông chờ, ỷ lại.

Phân tích kỹ hơn, Thủ tướng nhắc tới tình trạng đầu tư công vẫn chậm giải ngân, nhiều cơ quan, địa phương chưa báo cáo về các vướng mắc thể chế theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 45 ngày 16/4/2021. “Đây là trách nhiệm của người đứng đầu, chưa gương mẫu, chưa xem việc này là trọng tâm, trọng điểm. Trong khi các nhiệm vụ này vừa là động lực cho tăng trưởng, vừa phục vụ cho 3 khâu đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII, vừa phục vụ đời sống nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, tình hình sắp tới sẽ đan xen giữa thuận lợi và khó khăn, thách thức, nhưng dự báo khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn thuận lợi, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, thế giới và các nước quanh Việt Nam chưa kiềm chế dịch bệnh hiệu quả.

Trong bối cảnh như vậy, mục tiêu đặt ra là phải kiên trì kiềm chế, đẩy lùi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế sau đợt dịch, giữ vững ổn định chính trị, củng cố và tăng cường quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho các đối tượng chịu tác động bởi dịch bệnh, những người yếu thế trong xã hội. Phấn đấu tối đa để hoàn thành các mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII và Quốc hội đã đề ra.

Tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp

Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện:

Trước hết, phải tăng cường nhận thức rõ hơn về những khó khăn, thách thức, vướng mắc còn rất nhiều mà chúng ta phải đối diện, từ đó nỗ lực và cố gắng vượt qua; không vì khó khăn, thách thức mà bi quan, hoang mang, lo sợ, mất bản lĩnh; lấy khó khăn, thách thức làm động lực phấn đấu, vươn lên, khẳng định và phát triển.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải bám sát, nắm chắc tình hình, nhất là tình hình thực tiễn tại mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời, đúng hướng, sát tình hình, khả thi và mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thứ ba, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa, hợp lý để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương có giải pháp phù hợp để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, bảo đảm cung cầu những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; không để đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các vấn đề tồn tại kéo dài; những việc này đã có hướng giải quyết, phải triển khai quyết liệt hơn.

Thứ năm, tập trung giải quyết những vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách, Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan tới chiến lược vaccine, đầu tư công, xuất nhập khẩu và kinh tế vĩ mô. “Ai làm tốt thì khen thưởng, thúc đẩy, nhân rộng, ai không làm hoặc làm không đúng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ”, Thủ tướng nêu rõ.

Thứ sáu, tập trung cho nhiệm vụ đầu tư công. Thủ tướng biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rất quyết liệt trong thời gian qua để rà soát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo hướng sát tình hình, bám sát 3 khâu đột phá chiến lược và 6 nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu, phải có giải pháp mạnh mẽ, tích cực, quyết liệt hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề này, cương quyết cắt giảm các dự án dàn trải, chia cắt, manh mún, kéo dài.

Thứ bảy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, đặc biệt phải tiết kiệm chi tiêu thường xuyên, cắt giảm chi tiêu hành chính không cần thiết để tập trung cho đầu tư phát triển.

Thứ tám, Chính phủ sẽ xem xét ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh.

Thứ chín, tiếp tục giữ vững an ninh, quốc phòng, kiểm soát, quản lý chặt chẽ xuất nhập cảnh, cư trú trái phép. Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an đã làm tốt nhiệm vụ này, cần tiếp tục phát huy.

Thứ mười, chuẩn bị tốt các báo cáo trình Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo chương trình công tác năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng: Một số người đứng đầu đơn vị, địa phương chưa quyết liệt, gương mẫu