Sức Khỏe

Thuốc lá điện tử không giúp người nghiện cai thuốc thành công

Nguyên Thảo 27/04/2023 - :51

Ngày 27/4, Bộ Y tế tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới. Tại Hội thảo, các chuyên gia chỉ ra nhiều quan điểm sai lầm của giới trẻ về thuốc lá điện tử hiện nay.

Từ khoảng năm 20, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ. Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới tiếp tục xuất hiện trên toàn thế giới với 2 dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

Tại Việt Nam, trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng. Một nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%.

thuoc.png
Không có bằng chứng chứng minh các loại thuốc lá mới này an toàn hơn thuốc lá thông thường. Ảnh minh họa

Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Theo kết quả "Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019" của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6%, (ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%).

Năm 2020, theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.

Việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử, sẽ làm tăng nguy cơ hút thuốc lá truyền thống, tăng nguy cơ sử dụng rượu và uống rượu say, và sử dụng ma túy bất hợp pháp ở những thanh niên đang sử dụng thuốc lá điện tử mà trước đây chưa từng có ý định hút thuốc.

Thông tin tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các sản phẩm thuốc lá đều độc hại với sức khỏe và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá điếu thông thường. Nhưng do đặc tính của sản phẩm thuốc lá mới này khác biệt so với các đặc điểm của thuốc lá truyền thống nên không thể áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012 cho các sản phẩm này.

Đối với thuốc lá điện tử, có thông tin về việc "Thuốc lá điện tử giảm hại và an toàn hơn 95% so với thuốc lá thông thường" là không có cơ sở khoa học. Thông tin này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu được tài trợ bởi đơn vị có liên kết với ngành công nghiệp thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới cũng nhấn mạnh, hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống.

Tại Mỹ, hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống.

Còn tại Nhật Bản có đến 2/3 người dùng thuốc lá điện tử sử dụng đồng thời với thuốc lá điếu.

Từ thực tế cấp cứu và điều trị cho nhiều bệnh nhân nguy kịch nhập viện do sử dụng thuốc là điện tử, thuốc lá nung nóng, TS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thuốc lá điện tử và kể cả một số loại thuốc lá nung nóng mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải là từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy.

Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

"Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh", ông Nguyên cho hay.

Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.

Ở Việt Nam, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

"Thuốc lá điện tử là môi trường cho các ma túy mới tồn tại, gây thêm gánh nặng về y tế, an ninh, xã hội... Chính vì vậy nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử, do đó chúng tôi cũng đề nghị khẩn cấp cấm lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam", TS Nguyên nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuốc lá điện tử khng giúp người nghiện cai thuốc thnh cng