Tiếp tục phiên họp, chiều nay 27/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam (TGTG). Theo đ, đa phần các ý kiến thảo luận xung quanh vấn đề lm thế no để chống bức cung, nhục hình trong TGTG.
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: VGP
Đảm bảo quyền con người đối với người bị tạm giữ, tạm giam
Về hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong TGTG, thẩm tra dự án Luật này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng, cần xác định rõ hơn về mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam (đây là vấn đề chưa được đề cập rõ trong Tờ trình cũng như trong dự án Luật này). Theo đó, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi Cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng chết, bức cung, nhục hình và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị TGTG xảy ra trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý TGTG và Cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật TGTG, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.
Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra đối với cán bộ Cơ quan điều tra diễn ra tại nơi giam giữ, chứ không phải của cán bộ cơ sở giam giữ nên Điều 7,8 đã quy định cụ thể các quyền của người nơi TGTG và những hành vi nghiêm cấm (đặc biệt sau khi tham gia Công ước cấm tra tấn). Quan trọng là thực hiện và chấp hành pháp luật vì hiện có khá đủ các quy định để ngăn chặn tình trạng này nên đối tượng thi hành pháp luật cần được giáo dục để ngăn chặn bức cung, dùng nhục hình.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý vẫn cho rằng, chỉ quy định “cấm” bức cung, dùng nhục hình chung chung mà thiếu quy định về chủ thể thi hành thì khó bảo đảm. Đồng thời việc thực hiện song song 2 chế độ TGTG trong cùng một nhà tạm giữ hoặc trại tạm giam thì khó đảm bảo chế độ của người bị TGTG. Do vậy, Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể.
Phân biệt giữa tạm giữ và tạm giam
Về kiểm sát chế độ tạm giữ, tạm giam, Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, Dự án Luật cần quy định cụ thể hơn về nội dung, cơ chế, phương thức, thẩm quyền kiểm sát hoạt động TGTG để xác định rõ trách nhiệm của Viện kiểm sát và trách nhiệm của cơ quan thực hiện quản lý TGTG, góp phần bảo đảm tốt nhất quyền và nghĩa vụ của người bị TGTG.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Dự án Luật này chỉ quy định vấn đề này mang tính nguyên tắc về kiểm sát TGTG, còn các vấn đề cụ thể đã được quy định trong Luật Tổ chức VKSND và dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).
Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho biết: Tất cả các vụ bức cung, nhục hình đều xảy ra trong thời gian tạm giữ, còn thông cung, dùng nhục hình diễn ra trong thời gian tạm giam. Người bị tạm giữ chỉ là tình nghi tội phạm. Nhiều năm qua qua kháng nghị của VKS đã trả tự do rất nhiều người, nên VKS phải được thực hiện quyền kiểm sát TGTG mới phù hợp. Hiến pháp 2013 cũng đã quy định về thẩm quyền này.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh cho biết: Quản lý người bị TGTG không chỉ trong cơ sở mà còn cả khi người bị TGTG được trích xuất ra bên ngoài cơ sở như tại phiên tòa mà Luật chưa đề cập đến. Ông Khánh cũng không đồng tình với việc bổ sung quy định khởi kiện các quyết định giải quyết khiếu nại của VKS vì đây không phải là quyết định hành chính mà là các quyết định tư pháp nên không đặt vấn đề khởi kiện.
Bên cạnh đó, người bị TGTG chủ yếu bị hạn chế đi lại, còn các quyền nhân thân, dân sự khác vẫn phải được đảm bảo, nhưng trong Dự thảo Luật chỉ cho phép thực hiện một số quyền nhân thân thì đương nhiên hạn chế rất nhiều quyền nhân thân, dân sự của người bị TGTG.
Đề nghị cơ quan soạn thảo phân loại hình thức tạm giữ với tạm giam để từ đó xây dựng Dự thảo Luật này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng người bị tạm giữ là hình thức hạn chế rất đa dạng, không chỉ là hình sự mà có thể chỉ là vi phạm hành chính. Do đó, không nên để người bị tạm giữ lẫn lộn với đối tượng bị tạm giam. Việc phân biệt như vậy để đảm bảo các quyền cá nhân của từng loại đối tượng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc phân biệt chế độ tạm giữ, tạm giam là rất quan trọng bởi đây là hai chế độ hoàn toàn khác nhau, kèm theo cách thức quản lý khác nhau trên cơ sở quy định của pháp luật. Ông Lý cũng đề nghị cần có khu giam riêng đối với bị án tử hình, chung thân để đảm bảo thi hành án.
Cùng quan điểm trên, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Thuân kiến nghị cần có những quy định phù hợp liên quan đến việc bảo vệ người TGTG là người chưa thành niên; con của người bị TGTG hay quy định về trích xuất người bị TGTG; cần có nhà tạm giam, tạm giữ riêng đối với những người đồng tính, người vị thành niên.
Ông Nguyễn Văn Thuân cũng cho rằng, một số quy định của Luật lại được hiểu là hạn chế, khắt khe quyền công dân của người bị TGTG. TANDTC cho rằng nên đặt tên là Luật thi hành TGTG vì Luật này quy định trình tự, thủ tục thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cũng nhất trí với việc cần quy định tên gọi là Luật thi hành TGTG. Đồng thời làm rõ người bị TGTG bị hạn chế quyền gì? Phải bảo đảm các quyền con người, quyền công dân khác của họ nên chế độ, chính sách cần có sự phân biệt giữa người bị TGTG và phạm nhân, chế độ không thể kém phạm nhân. Như Dự thảo Luật TGTG quy định người bị TGTG vi phạm quy định của cơ sở giam giữ có thể cách ly ở buồng kỷ luật 3-7 ngày, gia hạn đến 12 ngày, nhưng quy định tương tự trong Luật Thi hành án hình sự chỉ gia hạn đến 10 ngày, nghĩa là người bị TGTG bị kỷ luật khắt khe hơn phạm nhân.