Ngy 30/12, HĐXX TAND TP HCM tiến hnh tuyên phần trách nhiệm dân sự trong vụ án Alibaba. Đồng thời kiến nghị cơ quan cng an, cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề khuất tất, tồn đọng liên quan đến hnh vi phạm tội các bị cáo v vụ án.
Phần trách nhiệm dân sự
Theo đó, ngày tuyên án thứ 2 của vụ án Alibaba, HĐXX đã công khai danh sách các bị hại, số tiền đã nộp cho Alibaba. Với hơn 4.500 người, trong đó 3.900 bị hại có đủ thông tin triệu tập, thành viên HĐXX đã thay nhau đọc công khai chi tiết, đầy đủ số tiền. Diễn biến xét xử được truyền hình trực tuyến trên kênh thông tin của TAND TPHCM và qua màn hình lớn tại sân Tòa để mọi người được biết.
Theo HĐXX, tài sản đảm bảo cho việc thi hành án bao gồm: Tất cả số tiền mặt, tiền trong tài khoản, tài sản của Alibaba bị phong tỏa, các diện tích đất được xác định có được từ hành vi vi phạm. Về tiền, các bị hại đã thanh toán toàn bộ, hoặc một phần cho các bị cáo thông qua tài khoản cá nhân, hoặc tài khoản công ty thuộc nhóm Alibaba. Tài sản được cơ quan công an tạm giữ, phong tỏa trong quá trình điều tra giải quyết vụ án.
HĐXX xác định, trong hàng ngàn giao dịch dân sự liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên, có một số giao dịch đảm bảo điều kiện có hiệu lực theo luật. Do đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp giữa các bên, HĐXX đã tuyên chấp nhận những giao dịch trên.
Cụ thể, HĐXX chấp nhận cho 58 khách hàng có giao dịch đủ điều kiện công nhận hiệu lực theo khoản 2, Điều 133, Bộ luật Dân sự năm 20. Trong đó, với giao dịch mà khách hàng đã thanh toán 100% giá trị hợp đồng thì sẽ được nhận đất. Đối với giao dịch khách hàng đã thanh toán một phần từ 50-70% giá trị, thì tiếp tục thực hiện hợp đồng cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ với nhau. Việc thanh toán tiền, khách hàng thanh toán tại cơ quan thi hành án. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành gỡ phong tỏa tài sản đó để người nhận có thể thực hiện các thủ tục pháp lý xác lập quyền sử dụng theo quy định.
Đối với nhóm khách hàng được cho là bị hại nhưng không cung cấp được bằng chứng, HĐXX tuyên giành quyền để họ khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác. Một số vật dụng khác như: 20 thỏi kim loại màu vàng, các giấy tờ cá nhân của bị cáo Luyện, HĐXX tuyên trả lại cho bị cáo.
Làm rõ trách nhiệm tiếp tay thu gom đất nông nghiệp
Theo hồ sơ, chỉ trong vòng 3 năm từ 2017-2020, các bị cáo đại diện, nhân danh Alibaba để thu gom là gần 4 triệu m2 đất trải dài các tỉnh TPHCM, Đồng Nai, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu… Trong đó, đại đa số là đất nông nghiệp, còn lại là đất an ninh, quốc phòng, đất rừng sản xuất, cây xanh, hạ tầng. Đây là những loại đất hạn chế chuyển nhượng, chuyển nhượng có điều kiện hoặc không được phép chuyển nhượng. Tuy nhiên, bằng cách nào đó hành vi này vẫn được thực hiện công khai trong thời gian dài.
Để làm được điều này, một số cán bộ địa phương đã có các văn bản xác nhận có dấu hiệu khống, tiếp tay cho các bị cáo có đủ điều kiện là người địa phương, sản xuất nông nghiệp. Từ đó làm cơ sở để các bị cáo này nhận chuyển nhượng các quỹ đất nông nghiệp từ người dân địa phương.
Khi gom được đất, các bị cáo ủy quyền lại cho các công ty thuộc nhóm Alibaba, lập nên 58 dự án khu dân cư, đô thị khống. Dù là dự án tự phát, triển khai trên các khu đất nông nghiệp, chưa được quy hoạch khu dân cư. Nhưng bằng cách nào đó Alibaba vẫn triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng đường nhựa, lót vỉa hè, vào đường điện… dựng nên những văn phòng, mô hình nhà mẫu để rao bán rầm rộ tại địa phương, thu tiền bất chính của khách hàng.
Hoạt động kinh doanh của Alibaba đã đi ngược lại chủ trương, đường lối bảo vệ, phát triển đất nông nghiệp của Nhà nước. Các cá nhân là người có thẩm quyền có dấu hiệu làm ngơ, tiếp tay để các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, HĐXX kiến nghị CQCSĐT: Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công an tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Gia Lai làm rõ sai phạm của các cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.
Làm rõ “điểm đến” của hơn 13 tỷ đồng
Một nội dung chú ý trong vụ án, nhóm bị cáo bị cáo buộc có hành vi rửa tiền với số tiền hơn 13 tỷ đồng, trong đó vai trò chủ đạo của bị cáo Võ Thị Thanh Mai (Giám đốc tài chính Alibaba), bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Alibaba), bị cáo Nguyễn Thái Lực (Trợ lý bị cáo Luyện). Khi cơ quan điều tra khám xét trụ sở Alibaba, bị cáo Mai đã chỉ đạo các bị cáo khác chuyển số tiền trên lòng vòng, sau đó rút ra khỏi tài khoản, khiến cơ quan điều tra không kịp ngăn chặn, phong tỏa.
Quá trình xét xử, HĐXX nhiều lần truy nguồn tiền này đi đâu, bị cáo Mai đã khai đưa cho một cá nhân, nhưng bị cáo cho rằng “tế nhị”, không thể nói. Có thể nguồn tiền này, bị cáo Mai đã dùng vào mục đích bất hợp pháp, do đó HĐXX kiến nghị Công an TPHCM đấu tranh làm rõ, nếu có căn cứ phạm tội, đề nghị truy tố theo quy định.