Từ ngày 1/7/2023 tới đây, ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ theo nội dung Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định về mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước vừa được Chính phủ ban hành.
Theo Nghị định, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày /1/2022 của Chính phủ.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Từ ngày 1/1/20 mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP.
Như vậy, đây là lần thứ 3 trong vòng 3 năm trở lại đây, chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước được ban hành. Trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay liên tục sụt giảm, chính sách này được các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước kỳ vọng sẽ tạo động lực kích cầu, kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số.
Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về lệ phí trước bạ khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu lệ phí trước bạ về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay nếu chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước một lần nữa được áp dụng, khó có thể mang lại tác động, hiệu quả như hai lần được ban hành trước đây. Bởi thực tế, những tháng qua, không ít nhà sản xuất, đại lý ô tô cũng giảm giá theo hình thức hỗ trợ 50% thậm chí 100% lệ phí trước bạ cho nhiều mẫu mã ô tô nhưng sức mua vẫn không được cải thiện.
Dù vậy, việc Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp, sản xuất, lắp ráp ô tô giảm bớt áp lực, sau nhiều tháng liên tiếp "gồng mình" chịu lỗ để giảm giá, xả hàng nhằm vớt vát doanh số.