Sáng 25/6, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã chính thức khởi công sau 1 năm 9 ngày kể từ ngày Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.
Dự án được khởi công, động thổ đồng loạt tại 6 vị trí thuộc 3 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Trong đó, Hà Nội tổ chức Lễ Khởi công dự án tại 4 điểm cầu, gồm Km28+900, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; Quốc lộ 2 giao đường Vành đai 4 xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; Đường trục phía Nam, giao đường Vành đai 4 xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai; Km190+270 đường Quốc lộ 1A giao với Vành đai 4, xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, tham dự Lễ Khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo chính quyền các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Phát biểu tại Lễ Khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân các địa phương, đến nay, sau 01 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023). Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó TP. Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%).
Chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị và triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Thành phố đã phát huy vai trò người đứng đầu, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân với tinh thần lấy kết quả thực hiện Dự án là “thước đo” năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời nhận thức và xác định rõ đây là trách nhiệm, là uy tín của thành phố, các địa phương; huy động sự vào cuộc một cách thực chất, sâu sát, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố, tỉnh đến cơ sở. Qua đó đã tạo hiệu ứng, lan tỏa khát vọng xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thứ hai, thành phố đã tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cơ sở, đặc biệt là cấp quận, huyện, xã, phường với tinh thần giảm đầu mối, cấp nào sát thực tế và phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân thì giao cấp đó thực hiện. Thành phố đã ủy quyền cho các quận, huyện thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Các quận, huyện đã tổ chức ký giao ước thi đua đẩy nhanh tiến độ theo từng ngày, thực hiện rút ngắn tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính của dự án. Riêng thành phố đã chỉ đạo thực hiện đường tiếp nhận văn bản riêng về Dự án đường Vành đai 4 và đảm bảo thời gian giải quyết thủ tục từ đến 48 tiếng tại mỗi cơ quan, đơn vị.
Ba là, thành phố đã tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. "Từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”. Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng dự án, thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt", Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để đạt được những kết quả quan trọng trên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, thành phố, là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cơ quan Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các địa phương.
"Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương đã luôn quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để Dự án được triển khai đảm bảo tiến độ đề ra. Đồng thời, tôi đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các Sở, ban, ngành; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các quận, huyện có Dự án đi qua; Đặc biệt, xin được ghi nhận và chân thành cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ và sẻ chia của những hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH ngày 16/6/2022. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/8/2022 về việc triển khai Nghị quyết số 56/2022/QH ngày 16/6/2022, trong đó UBND thành phố Hà Nội, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Bắc Ninh thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư, phê duyệt các dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền.
Dự án đường Vành đai 4 được chia thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập với tổng diện tích thu hồi, GPMB khoảng 1.386,313ha, tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, bao gồm: 03 dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn của từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công; 03 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành trên địa bàn từng tỉnh, thành phố bằng vốn đầu tư công và dự án thành phần 3 (Dự án PPP) đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.- Dự án thành phần 1.1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận thành phố Hà Nội có Tổng mức đầu tư khoảng 13.362 tỷ đồng. Để thực hiện Dự án thành phần 1.1 sẽ tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên các phần diện tích thuộc địa bàn 07 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Thường Tín) của thành phố Hà Nội. Tổng diện tích thu hồi là 798,043ha, bố trí 13 khu tái định cư cho 818 hộ bị ảnh hưởng đất ở bởi Dự án.
- Dự án thành phần 2.1: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận thành phố Hà Nội. Tổng mức đầu tư khoảng 5.388 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Quy mô đầu tư: Đầu tư xây dựng hệ thống đường đô thị, đường song hành qua địa phận thành phố Hà Nội: Tổng chiều dài tuyến khoảng 58,2Km; quy mô mặt cắt ngang (phân kỳ đầu tư giai đoạn 1) B=12m, mặt cắt ngang cầu B=,5m. Các hạng mục chủ yếu của dự án: Nền, mặt đường, cầu, thoát nước, chiếu sáng, an toàn giao thông.
- Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Tổng mức đầu tư khoảng 56.536 tỷ đồng với quy mô đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng chiều dài khoảng 113,52 km (Hà Nội: 57,95 km, Hưng Yên: 19,31 km, Bắc Ninh: 36,26 km (26,56 km đường Vành đai 4 và tuyến nối 9,7 km). Mặt cắt ngang trên tuyến cao tốc đảm bảo 04 làn xe (từ 17,0m đến 17,5m). Riêng mặt cắt ngang các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống (cầu Hồng Hà, Mễ Sở, Hoài Thượng) bề rộng là ,5m. Bố trí 08 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng (nút giao cao tốc Hà Nội-Lào Cai; nút giao trục Mê Linh; nút giao trục Đại lộ Thăng Long; nút giao QL6; nút giao cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; nút giao QL38; nút giao cao tốc Nội Bài – Hạ Long), hoàn thiện nút giao Tây Nam, thành phố Bắc Ninh; và các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.
UBND các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên là cơ quan chủ quản/cơ quan có thẩm quyền đối với 4 dự án thành phần. Trong đó, mỗi tỉnh có 2 dự án thành phần gồm dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và dự án xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh quản lý.